Đồng Nai triển khai giải pháp phát triển mô hình sản xuất GAP nâng cao giá trị nông sản
Theo đó, ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tập trung đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến bảo quản nông sản.
Giải pháp xây dựng các vùng nuôi trồng công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn và tổ chức nuôi trồng gắn với mô hình quản lý cộng đồng. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ chức đại diện của nông dân để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua, sơ chế biến và xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap của Đồng Nai |
Trong đó, nhiều giải pháp về kỹ thuật sẽ được khuyến khích như: Đẩy mạnh nghiên cứu, cập nhật tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất, sơ chế biến sản phẩm các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản để nâng cao chất lượng, giảm chi phí đầu vào và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tăng cường ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mang tính trạng cải tiến như: Chống chịu sâu, bệnh hại, các điều kiện bất thuận, sinh trưởng nhanh.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thân thiện với môi trường giúp tăng lợi nhuận kinh tế và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vaccine thế hệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn, Đồng Nai đã có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất GAP (Good Agricultural Practice – thực hành nông nghiệp tốt ).
Hiện, điểm nghẽn lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm sạch nên ngành nông nghiệp tiếp tục chung tay cùng các sở, ngành triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản GAP, nhất là trong xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để mô hình sản xuất GAP phát triển bền vững.
Vườn tiêu đạt chuẩn hữu cơ, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai |
Đến nay, toàn tỉnh có trên 2,7 ngàn ha cây trồng chủ lực đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng hơn 700 ha so với năm 2022. Chương trình này đang thu hút nông dân tham gia vì được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm chứng nhận. Hiện đa số các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai đều đạt chứng nhận này như: Bưởi, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau...
Ở lĩnh vực chăn nuôi, toàn tỉnh có 125 trang trại, 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP với tổng sản lượng trên 124,6 ngàn tấn và gần 283 ngàn quả trứng. Về thủy sản, có 14 vùng nuôi trồng được chứng nhận VietGAP tương ứng với sản lượng gần 15,3 ngàn tấn.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Trần Lâm Sinh, người dân tích cực tham gia chương trình áp dụng quy trình GAP trong sản xuất, nhận thức về sản xuất an toàn ngày càng nâng cao. Một số vùng sản xuất đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ... được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu và được người tiêu dùng quốc tế tin dùng.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự phân cấp, huy động được nguồn lực cấp huyện, cấp xã; đảm bảo các cơ sở đều có sự giám sát cụ thể của các đơn vị quản lý; công tác kiểm tra, thanh tra ngày càng đi vào chiều sâu, có sự phối hợp bài bản với các cơ quan, đơn vị liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; công tác giám sát và phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì triển khai, kịp thời đưa ra cảnh báo thông tin đến người tiêu dùng.
Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp từng bước được kiện toàn. Công tác quản lý và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm có tiến bộ rõ rệt. Điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện hơn. Người tiêu dùng có nhiều thông tin lựa chọn, nhận biết sản phẩm an toàn. Diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng dần theo từng năm.
Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu cao cho chương trình là đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận GAP đạt 25%. Trong đó, tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được chứng nhận GAP đạt 15%, tương đương với 219 ngàn tấn sản phẩm được chứng nhận GAP. Tỷ lệ giá trị sản phẩm vật nuôi được chứng nhận GAHP đạt 30%, tương đương với tổng sản lượng 226 ngàn tấn thịt heo, gà. Tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản được chứng nhận GAP đạt 35%, tương đương khoảng 20 ngàn tấn thủy sản.