Hoàn thành di dời trước tháng 12/2025
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo gửi đến các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong Khu công nghiệp Biên Hoà 1 chủ động được thời gian hoàn tất di dời.
Theo đó, thực hiện nội dung Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh Đồng Nai, trong đó có việc di dời các cơ sở, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang đóng chân tại khu công nghiệp này.
Biên Hoà 1 là Khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. |
Hiện nay, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 76 đơn vị, doanh nghiệp đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động. Trong đó có 6 doanh nghiệp FDI cùng 70 doanh nghiệp trong nước. Tổng số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người.
Theo đề án, việc di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có 14 doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1 (diện tích khoảng hơn 75ha) nằm về phía Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội). Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đề nghị 14 doanh nghiệp này chủ động tìm kiếm vị trí phù hợp để di dời và phải thực hiện xong trước tháng 12/2024.
Giai đoạn 2, có 62 doanh nghiệp nằm trên phần đất còn lại phải hoàn thành di dời trước tháng 12/2025. Dự kiến chính sách bồi thường và hỗ trợ sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong quý II/2024.
Tại sao phải chuyển đổi công năng
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ngày nay được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Đến cuối tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam.
“Do việc kế thừa cơ sở vất chất của các nhà máy cũ trước 1975 cho nên phần lớn các nhà máy hiện này của Khu công nghiệp Biên Hoà 1 không sử dụng hiệu quả trên phần đất của mình. Đối với các nhà máy có khả năng mở rộng sản xuất phải cơi nới, chắp vá… phần còn lại đất trống, dẫn đến suất sinh lợi trên đất thấp”, đề án nêu rõ.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Biên Hoà 1 được xét đến có vị trí quan trọng nằm dọc bờ sông Cái đối diện với cù lao Hiệp Hoà, vừa bám dọc Quốc 1A , ngã tư Vũng Tàu…
Phần đất tại Khu công nghiệp Biên Hoà 1 sẽ trở thành Dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ. |
Việc chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là phù hợp với tất yếu khách quan và là cơ hội để phát triển TP. Biên Hòa theo đúng quy hoạch, qua đó, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc của thành phố, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai.
Trước đó, tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường nhằm thay đổi diện mạo kiến trúc TP. Biên Hoà, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai. Đề án có tổng kinh phí khoảng 7.500 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Quy mô của đề án sẽ được tách thành 2 hồ sơ gồm dự án khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh (quy mô khoảng 44ha) và dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ (quy mô hơn 286ha).
Với dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Đồng Nai thống nhất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Dự án được chia làm 6 khu, trong đó khu 1 (diện tích khoảng 75ha) được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030, các khu còn lại triển khai từ năm 2024 - 2030.
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu về ngân sách số tiền lớn sau khi đã trừ đi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Quá trình triển khai đề án địa phương sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền sử dụng đất; các ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, tín dụng; hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống...