Doanh nghiệp xuất khẩu chất chồng nỗi lo đầu năm
Không chỉ Cosco, để tránh các cuộc tấn công được tiến hành bởi lực lượng Houthi ở Yemen, các hãng vận tải biển đã phải chuyển hướng số hàng hoá trị giá hơn 200 tỷ USD trong mấy tuần qua.
“Bất ổn ở Biển Đỏ có nguy cơ tạo nên “cơn bão” trong thương mại toàn cầu. Việc các hãng vận tải tạm dừng vận chuyển qua vùng Biển Đỏ khiến thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài thêm từ 7-15 ngày do tàu phải di chuyển qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, cũng lập tức đẩy tăng chi phí”, ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay.
Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bắc Âu đã tăng hơn gấp đôi trong tuần này, lên mức hơn 4.000 USD/container 40 foot. Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Địa Trung Hải tăng lên mức 5.175 USD. Một số hãng tàu đã báo giá 6.000 USD cho mỗi container 60 foot tới Địa Trung Hải từ giữa tháng này, chưa kể phụ phí dao động từ 500-2.700 USD/container.
Doanh nghiệp xuất khẩu chất chồng nỗi lo đầu năm. Ảnh minh họa |
Giá cước vận tải biển từ châu Á tới Bờ Đông của Mỹ cũng đã tăng 55% lên 3.900 USD/container, tới Bờ Tây của Mỹ tăng 63% lên hơn 2.700 USD.
Động thái của Cosco cùng các hãng vận tải biển là tin không vui ngay những ngày đầu năm. Điều này cũng dấy lên nỗi lo khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các hệ lụy khác như sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, lạm phát tăng cao… như đã xảy ra trong năm vừa qua khiến các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam lao đao. Và, năm 2023 là năm đầu tiên sau 2 thập kỷ Việt Nam tăng trưởng âm về xuất khẩu.
Như chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp ngành da giày, bối cảnh hiện nay việc đưa ra dự báo là rất khó khăn, các yếu tố bất lợi trên thị trường diễn biến quá nhanh và có xu hướng ngày một xấu, doanh nghiệp chỉ có thể bám sát thông tin để có hướng điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, kế hoạch giao hàng.
Dù lo lắng, song các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn kỳ vọng vào năm 2024 sẽ bớt khó khăn hơn, bởi lẽ bên cạnh những “điểm tối” vẫn có “điểm sáng” để tạo niềm tin.
Trong đó, nền kinh tế Mỹ- thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam được nhận định đã “hạ cánh mềm” trong năm 2023, dần khởi sắc với nhu cầu tiêu dùng tăng lên, tỷ lệ lao động có việc làm duy trì ở mức ổn định. Đặc biệt, trong năm nay Mỹ có khả năng sẽ hạ lãi suất khoảng 0,75%, điều này sẽ là cú huých lớn đẩy tăng nhu cầu tiêu dùng. Thị trường EU hy vọng có thay đổi lớn về mặt chính sách, dự báo GDP năm 2024 tăng dưới 1%, dù nhỏ nhưng là con số tích cực so với năm 2023 suy giảm mạnh.
Trong nước, Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó việc kiên quyết hạ lãi suất ngân hàng giúp khơi thông dòng vốn cho sản xuất. Quốc hội, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6-6,5% đi kèm nhiều giải pháp thực hiện kỳ vọng sẽ tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội thị trường.
Với vai trò đơn vị quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.