
CôngThương - Làm giàu từ biển
Từ một cơ sở sản xuất tôm giống thành lập năm 1997, trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2006, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Đắc Lộc được thành lập với các ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giống thủy sản; nuôi trồng thủy sản; mua - bán thức ăn tôm và thuốc thú y thủy sản; mua - bán và vận chuyển thủy hải sản…
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc DNTN Thủy sản Đắc Lộc - nhớ lại, giai đoạn đầu, khi mới thành lập, Đắc Lộc trải qua rất nhiều khó khăn. Bởi nghề nuôi tôm nói riêng cũng như ngành nuôi trồng thủy sản nói chung thời điểm đó chưa mấy phát triển, thiếu lực lượng lao động và kinh nghiệm còn hạn chế… Đặc biệt, khó khăn lớn nhất mà DN phải trải qua là thiếu vốn sản xuất, mô hình hoạt động còn sơ khai, thiếu ổn định. Tuy nhiên, với phương châm luôn quan tâm đến sự phát triển kinh tế của người dân ven biển và hải đảo, qua hơn 17 năm hình thành và phát triển, đến nay, Đắc Lộc đã phát triển mạnh thành một DN với đội ngũ cán bộ đông đảo, gồm 150 người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và hơn 500 công nhân, bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh được thông suốt. DN cũng có một trạm thu mua thủy sản ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) và Khu sản xuất giống thủy sản tại xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) có diện tích hơn 30 ha.
Nhằm nâng cao chất lượng quy trình, công nghệ sản xuất tôm thẻ chân trắng, DN Đắc Lộc đã đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thương phẩm thực nghiệm; xây dựng hệ thống bán hàng cung ứng thức ăn tôm, thuốc vi sinh và hệ thống vận tải xe đông lạnh; xây dựng trạm thu mua tôm thương phẩm. Vì thế, mô hình nuôi tôm bền vững của Đắc Lộc được khách hàng rất yên tâm tin tưởng khi hợp tác và ứng dụng. Nhờ mô hình này, mỗi năm, Đắc Lộc cung cấp ra thị trường khoảng 2,5 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao.
Bằng tất cả những nỗ lực ấy, tháng 6 vừa qua, Đắc Lộc đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Với chứng nhận này, Đắc Lộc đã trở thành một trong những DN nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận GlobalGAP. Với quy trình sản xuất khép kín, Đắc Lộc đã và đang kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc, sản phẩm tôm của Đắc Lộc đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới.
Vươn lên từ con tôm quê nhà, những năm qua, Đắc Lộc cũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác thiện nguyện tại địa phương. Hàng năm, DN Đắc Lộc đều tổ chức đoàn tham gia cứu trợ đồng bào bị lũ lụt; góp quỹ Vì người nghèo ở các địa phương; xây dựng nhà tình nghĩa; góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn… Tổng giá trị vật chất mà Đắc Lộc đã giúp cho những hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Phú Yên những năm gần đây đã lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nhiều năm qua, doanh thu và lợi nhuận của DNTN Thủy sản Đắc Lộc luôn đạt tốc độ tăng trưởng 10- 20%/năm. Đắc Lộc đã và đang trở thành đơn vị hàng đầu trong ngành sản xuất, nuôi trồng, mua bán thủy sản. |
Những kế hoạch lớn
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, Đắc Lộc đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm giao dịch thủy sản. Trung tâm này sẽ là nơi giới thiệu đến các khách hàng về những sản phẩm thủy hải sản của Phú Yên. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của những DN thủy hải sản trong và ngoài tỉnh nhằm sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang thương hiệu thủy sản Phú Yên ra thị trường nước ngoài. Khách hàng đến với trung tâm này cũng sẽ có nơi ăn nghỉ chu đáo. Không chỉ là điểm giao dịch thủy sản, khách đến đây còn được tham quan, thưởng thức cảnh đẹp nổi tiếng của Sông Cầu.
Bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ thêm: “Đến nay, dự án xây dựng trung tâm giao dịch thủy sản đã được cấp đất và sẽ sớm triển khai xây dựng. Tuy nhiên, đây không phải là kế hoạch duy nhất của chúng tôi. Xa hơn nữa, chúng tôi rất muốn xây dựng một nhà máy chế biến thủy hải sản đạt tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế nhằm đưa thương hiệu thủy sản Đắc Lộc nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung vươn xa ra thế giới”.
Hơn 17 năm lăn lộn trong một ngành nghề tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, những thành công của Đắc Lộc ngày nay đã thực sự trở thành “trái ngọt” cho người phụ nữ bản lĩnh và thông minh ấy. Thời gian cho câu chuyện với nữ giám đốc Nguyễn Thị Nga là khoảng thời gian chúng tôi đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Đem thắc mắc ra hỏi, bà chỉ cười thật hiền: “Tôi may mắn vì được gia đình hậu thuẫn. Gia đình càng đầm ấm bao nhiêu, công việc càng suôn sẻ bấy nhiêu”.
Bà Nga tâm sự: “Chồng tôi hiện đang làm Phó giám đốc, chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật. Ông ấy yêu nghề thiết tha và gắn bó với từng con tôm, từng con giống thủy sản. Nếu không có ông ấy, tôi sẽ không thể làm được nhiều việc như ngày hôm nay. Ý tưởng xây dựng trung tâm giao dịch thủy sản và nhà máy chế biến thủy sản cũng là ý tưởng của anh ấy. Tôi hiểu và muốn cùng anh thực hiện. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi”.
Có gắn bó với con tôm mới thấy, để cho ra đời được những con giống khỏe, có chất lượng là cả một chặng đường dài, khó khăn và đặc biệt nhiều rủi ro. Có lẽ nếu không có sự thông minh, lòng quyết tâm và tình yêu nghề sâu sắc thì sẽ không thể gắn bó với nghề này lâu dài. Tình yêu với con tôm đã đưa Đắc Lộc trở thành một trong những DN hàng đầu Phú Yên. Hy vọng rằng, với những nhiệt huyết luôn có, thời gian tới, Đắc Lộc sẽ giúp thương hiệu thủy sản Phú Yên nói riêng và thủy sản Việt nói chung ngày càng tỏa sáng.