Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói gì về Nghị quyết 68?
Doanh nghiệp nhanh chóng "chuyển mình"
TP. Hồ Chí Minh từ lâu đã là trung tâm kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, giữ vai trò "đầu tàu" trong việc thúc đẩy tăng trưởng và kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cả nước và quốc tế. TP. Hồ Chí Minh không chỉ tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà còn đóng góp ngân sách và tham gia tích cực vào hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, yêu cầu đặt ra cho thành phố là phải nhanh chóng chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, hạ tầng và tư duy kinh doanh để giữ vững vị thế trung tâm kinh tế, đồng thời trở thành địa bàn thí điểm hiệu quả các chính sách mới.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. Ảnh: Lữ Ý Nhi |
Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm gần đây là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Không chỉ bởi nội dung của nghị quyết mà còn bởi tinh thần đổi mới tư duy quản lý và cách tiếp cận mới trong xử lý các vấn đề kinh tế.
Nghị quyết lần này được đánh giá có nhiều điểm đột phá, đặc biệt là việc lần đầu tiên đề cập rõ ràng, cụ thể quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo nền tảng pháp lý giúp doanh nghiệp yên tâm đổi mới, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways - trong một talkshow chuyên đề đã chia sẻ, thành công lớn nhất trước tiên của Nghị quyết 68 là tạo sự phấn chấn và lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Từ khi nghị quyết được ban hành vào đầu tháng 4/2025, rất nhiều doanh nhân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã bàn luận sôi nổi, chia sẻ, bình luận và đặt kỳ vọng vào những chuyển động tích cực của chính sách này.
“Từ ngày 4/4 đến nay, nhiều doanh nhân ít ngủ vì phấn khởi, hào hứng khi được xem Nghị quyết này. Chúng tôi có những group (nhóm) trên mạng xã hội gần như tập trung lan tỏa, chia sẻ, bình luận về Nghị quyết 68 mà tạm quên đi việc khác”, ông Tuệ nói.
Một điểm được ông Phan Đình Tuệ đặc biệt nhấn mạnh chính là quy định không hình sự hóa các sai phạm kinh tế nếu doanh nghiệp vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc nhận thức chưa đầy đủ, cho phép họ có cơ hội khắc phục và làm lại.
Đây là một chuyển biến quan trọng, bởi thực tế lâu nay, nhiều doanh nghiệp e ngại khi dấn thân vào các lĩnh vực mới hoặc thực hiện đổi mới sáng tạo vì lo sợ rủi ro pháp lý, nhất là khi hệ thống pháp luật thường chậm cập nhật so với thực tiễn vận động của nền kinh tế số, chuyển đổi số và thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, ông Tuệ cũng thẳng thắn cho rằng, không hình sự hóa không có nghĩa là dung túng cho những hành vi cố ý vi phạm pháp luật hoặc làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng và an toàn xã hội như sản xuất thực phẩm bẩn, thuốc giả. Những hành vi này phải được xử lý nghiêm khắc và không thể chỉ dùng tiền để khắc phục hậu quả.
Ở một góc độ khác, ông Phan Đình Tuệ đề nghị để việc triển khai nghị quyết thực sự hiệu quả, cần phổ biến, hướng dẫn chi tiết cho các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ, thưởng phạt rõ ràng cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, phát triển Chính phủ điện tử và các dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến tận xã, phường để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Ông ví von, Nghị quyết 68 giống như việc Nhà nước xây dựng một “cao tốc” rộng rãi, bằng phẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp vận hành. Nhưng muốn đi được trên cao tốc này, doanh nghiệp phải có “chiếc xe tốt”, phải chủ động đầu tư năng lực, công nghệ và kiến thức quản trị, biết kiểm soát tốc độ và vận hành đúng luật để không bị loại khỏi cuộc chơi.
“Nghị quyết 68 giống như việc Nhà nước xây “đường cao tốc”, rất thuận lợi, nhưng doanh nghiệp phải mua được “chiếc xe” tốt, đảm bảo chạy được thuận lợi. Ngoài ra, phải nâng cao kiến thức quản trị, giống như kiểm soát tốc độ khi lái xe. Doanh nghiệp phải tự tin, chủ động, tự đầu tư để có chiếc xe tốt chạy trên cao tốc, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh - đầu tàu cần tăng tốc
Ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - cho rằng, thực tế tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, ngoài vấn đề thể chế, hạ tầng kỹ thuật cũng đang trở thành điểm nghẽn lớn. Dù là trung tâm kinh tế nhưng quỹ đất dành cho sản xuất - kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng hạn hẹp, trong khi các khu công nghiệp chưa được quy hoạch mở rộng tương xứng với nhu cầu thực tế.
Sản xuất ngoài khu công nghiệp lại không được phép nếu không có sự chấp thuận, tạo ra áp lực lớn về mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thành phố và khả năng kết nối với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Lưu Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn.Ảnh: Lữ Ý Nhi |
“Nếu bây giờ, chúng ta quy định cứng rằng doanh nghiệp không được phép sản xuất ngoài khu công nghiệp, câu hỏi đặt ra là: Liệu các khu công nghiệp hiện hữu có đủ sức để đón nhận hết số lượng doanh nghiệp đang có nhu cầu thuê đất sản xuất hay không? Thực tế, nhiều khu công nghiệp đã kín chỗ, giá thuê cũng tăng rất cao, điều này vô tình tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn là lực lượng đông đảo và rất cần được hỗ trợ.
Do vậy, tôi cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần sớm có quy hoạch cụ thể và hợp lý hơn về quỹ đất sản xuất, phát triển thêm các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nếu không làm tốt việc này, sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị bó hẹp, khó mở rộng sản xuất, thậm chí phải chuyển dịch sang các địa phương khác, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và vị thế của TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất nước”.
Một vấn đề thiết yếu khác là môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính. TP. Hồ Chí Minh cần khẩn trương rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh, xây dựng cơ chế kiểm tra minh bạch và hợp lý, tránh tình trạng kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố cần thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh thông qua các giải pháp cụ thể như miễn, giảm thuế trong 1 - 2 năm đầu, đơn giản hóa chế độ kế toán, tài chính và mở rộng quyền tiếp cận vốn tín dụng, nhất là từ các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng để cho phép họ tham gia cho vay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ cũng cần được sớm thực hiện.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh nên mạnh dạn đề xuất Trung ương cho phép miễn thuế trong ba năm đầu đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, AI và kinh tế số. Song song đó là các chương trình đào tạo CEO, bồi dưỡng năng lực quản trị cho khoảng 10.000 doanh nghiệp mỗi năm, chuẩn bị nguồn lực cho giai đoạn hội nhập và cạnh tranh quốc tế sâu rộng.
Ngoài ra, việc thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, các tổ chức quốc tế để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố cần tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư và kết nối cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, chính sách đất đai, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần xây dựng và trình Quốc hội một luật riêng về phát triển kinh tế tư nhân nhằm tích hợp tinh thần Nghị quyết 68 và cho phép “một luật sửa nhiều luật”. Qua đó, giúp rút ngắn thời gian điều chỉnh hệ thống pháp lý hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, thuận lợi và minh bạch để kinh tế tư nhân bứt phá. Đây sẽ là cơ sở pháp lý thiết yếu để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 68 ngay từ năm 2026, không phải chờ đợi nhiều năm như trước. |