Doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế: Kinh doanh thời "thắt lưng buộc bụng"
Sau khi có thêm nhiều ca dương tính với dịch Covid-19 được công bố, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhiều điểm tham quan du lịch, lễ hội tạm dừng đón khách; đóng cửa những nơi tập trung đông người như cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim… thì đồng nghĩa với việc các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản phục vụ du lịch “án binh bất động”.
Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống Huế không còn "nhộn nhịp" như trước dịch Covid-19 |
Ông Nguyễn Văn Phượng - chủ cơ sở sản xuất trà Cung đình Huế Đức Phượng - cho biết, mặt hàng trà Cung đình Huế chủ yếu phục vụ cho khách du lịch, tuy nhiên thời gian vừa qua, sau khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp thì việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Không chỉ ảnh hưởng riêng tại thị trường Thừa Thiên Huế mà doanh số bán hàng của các đại lý trên toàn quốc cũng bị ảnh hưởng, với mức giảm hơn 70%.
“Hàng năm, mùa này là mùa du lịch, bình thường mỗi ngày cơ sở đóng từ 100-200 thùng hàng bỏ cho các đại lý, điểm phục vụ khách du lịch toàn tỉnh, đó là chưa kể đóng hàng đi các đại lý trên cả nước thì nay chỉ bán được vài ba thùng/ngày”, ông Phượng cho biết.
Theo ông Phượng, ảnh hưởng của dịch bệnh không còn là “phép thử” nữa mà bắt buộc doanh nghiệp phải “gồng mình” mới cầm cự được với tình trạng khó khăn hiện nay. Do vậy, để “cứu” doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng, sở ngành nên áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ như vay vốn, giảm thuế, khoanh nợ… chứ để hết dịch mới thực hiện thì ý nghĩa sẽ không còn.
Khách du lịch giảm mạnh kéo theo những điểm bán hàng đặc sản, nông sản Huế điêu đứng |
“Là đại dịch nên không một doanh nghiệp nào lường hết hậu quả, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nên cái quan trọng nhất bây giờ là doanh nghiệp hạn chế tối đa chi phí không cần thiết, đảm bảo lương cho người lao động, có nguồn nguyên liệu, duy trì sản xuất chờ cơ hội sau khi hết dịch. Để giải quyết những khó khăn, hiện chúng tôi đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại tất cả sản phẩm và khách mua hàng được miễn cước phí vận chuyển trên phạm vi cả nước”, ông Phượng chia sẻ.
Tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống Huế (Trung tâm) khung cảnh “đìu hiu”, vắng khách cũng thể hiện rõ.
Chị Hường - chủ cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Nam - cho biết, Trung tâm không chỉ là nơi buôn bán, giới thiệu, trưng bày các mặt hàng lưu niệm về chất liệu đồng mà còn là nơi trình diễn tay nghề của các nghệ nhân, nơi trải nghiệm của du khách nên thu hút rất đông khách tham quan, du lịch. Tuy nhiên, từ khi công bố dịch bệnh, khách tham quan, mua hàng giảm rõ rệt, trước đây trung bình mỗi ngày có 3-5 đoàn, khách lẻ ghé Trung tâm thì nay vài ba ngày mới có 1 đoàn.
“Khách ít lắm, có nhiều ngày không có khách, nhưng cũng phải mở cửa thường xuyên để cho “đẹp” Trung tâm, chứ không lẽ giờ đóng cửa”, chị Hường cho biết.
Buôn bán ế ẩm - nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ kiến nghị được giảm tiền thuê mặt bằng, giảm thuế, khoanh nợ |
Không riêng gì cơ sở Nguyễn Văn Nam mà hơn 10 cơ sở trưng bày, buôn bán tại Trung tâm cũng gặp tình trạng tương tự. Theo các cơ sở, tình hình kinh doanh rất khó khăn nên kiến nghị cấp trên giảm tiền thuê lô, mặt bằng, giảm thuế… để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong lúc này.
Là sản phẩm đạt giải nhất cuộc thi bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu huyện Phú Lộc năm 2019, sản phẩm trà vả Lộc Mai những năm qua đã được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên đứng trước “cơn bão” dịch Covid-19 trà vả Lộc Mai cũng đang điêu đứng.
Ông Mai Quốc Bảo - Giám đốc Công ty Lộc Mai - cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, doanh số giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Bởi vì sản phẩm của công ty bán chủ yếu ở các điểm du lịch, quầy hàng đặc sản Huế mà hiện nay khách tham quan, du lịch đến Huế giảm nên ảnh hưởng nặng nề.
“Với tình hình này, công ty cắt giảm tối đa các chi phí, đồng thời chủ trương đẩy mạnh hoạt động bán hàng online, giới thiệu sản phẩm nhằm đảm bảo cho những khách hàng thường xuyên được tiếp cận sản phẩm. Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi không cắt giảm nhân sự, đồng thời vẫn đảm bảo cho anh em có thu nhập đầy đủ, vì họ là người cùng gắng bó với công ty lúc khó khăn cũng như khi thành công. Hiện công ty cho tạm nghỉ một số công nhân để chăm lo gia đình, ổn định trong mùa dịch, số khác vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất bình thường”, ông Bảo chia sẻ.
Nghệ nhân Thân Văn Huy thường xuyên hướng dẫn cho học sinh, du khách cách làm hoa giấy tại nhà trưng bày ở làng Thanh Tiên, nhưng nay cũng phải đóng cửa |
Không chỉ tại các điểm kinh doanh, buôn bán mà ở các nhà trưng bày, trải nghiệm về làng nghề truyền thống cũng vắng du khách. Tại làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang), cơ sở trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm nghề làm hoa giấy truyền thống cũng phải đóng cửa.
“Dịch bệnh ảnh hưởng đến làng nghề rất nhiều, trong đó có làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Hơn nữa cơ sở phải đóng cửa hơn tháng nay, một mặt khách du lịch đến trải nghiệm rất ít sau khi công bố dịch Covid-19 lan rộng, mặt khác khách trải nghiệm chủ yếu là khách nước ngoài, họ đi rất nhiều nơi mình không kiểm soát được nên nguy cơ lây bệnh cao; đồng thời cũng giảm các chi phí về điện, nước”, nghệ nhân Thân Văn Huy giải thích.