Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có cuộc trao đổi vấn đề trên với phóng viên Báo Công Thương.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về PVTM thông qua nhiều hình thức |
Quá trình hội nhập quốc tế đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước, nhất là nguy cơ về kiện phòng vệ thương mại. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nền kinh tế nước Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được chúng ta ký kết và thực thi thì việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi. Thực tế, việc quy định về PVTM trong các FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính chủ động trong rà soát thị trường, rà soát lại giá bán sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm; là động lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Có chiến lược chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng thương hiệu, chất lượng, để loại trừ các biện pháp PVTM.
Tuy nhiên, việc quy định về PVTM trong các hiệp định FTA cũng gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN). Đó là vấn đề DN có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Đáng lo ngại đó là đến nay, một phần không nhỏ DN Việt Nam tham gia cuộc chơi thương mại quốc tế lại chưa có ý thức hoặc sự hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ; sự quan tâm, nhu cầu nắm bắt thông tin của DN về vấn đề này còn rất hạn chế.
Do chưa chủ động được các biện pháp để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ nên dẫn tới làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thậm chí một số doanh nghiệp còn bị mất thị phần. Ngoài ra có thể làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp xuất hiện, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 và trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước, cũng như tăng cường xuất khẩu, DN cần chuẩn bị gì để chủ động ứng phó với các vụ kiện PVTM từ nước ngoài, theo ông?
Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Để chủ động đối phó với các vụ kiện PVTM, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải: Tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong hiệp định, kể cả các quy định về PVTM để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà các FTA đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình; tìm hiểu thông lệ, thực tiễn giải quyết các vụ việc PVTM của quốc gia mà chúng ta xuất nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, DN cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là những thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin. Quan trọng hơn, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa liên quan, DN cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có, gây bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc.
Đặc biệt, các DN phải rất chủ động, kể cả đi kiện và ứng phó với các vụ điều tra về PVTM. Mặt khác, muốn phát huy được những lợi thế của công cụ PVTM, các DN phải xây dựng và tăng cường năng lực nhân sự về pháp chế DN, lưu trữ đầy đủ các thông tin đầu vào về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực quản trị của DN, khả năng dự báo thị trường.
Cùng với sự nỗ lực của DN, theo ông cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động, hiệu quả trong công tác tuyên truyền về biện pháp PVTM đến DN hay chưa?
Kể từ khi Luật quản lý ngoại thương năm 2017 được thông qua và có hiệu lực thi hành, trước bối cảnh thực thi các hiệp định FTA đã ký kết, các cơ quan chức năng của Việt Nam trong đó có Bộ Công Thương theo ghi nhận của chúng tôi đã rất tích cực tuyên truyền các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như các giải pháp ứng phó với các rủi ro về PVTM. Sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Công Thương đã giúp cho DN tránh được nhiều thiệt hại tại nhiều thị trường xuất khẩu; đồng thời bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của DN tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và trước xu thế gia tăng của bảo hộ thương mại, để tránh nguy cơ mất thị phần trong nước, cũng như tăng cường xuất khẩu, các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan truyền thông và các hiệp hội DN cần phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa, thông qua các hình thức, diễn đàn khác nhau nhằm nâng cao hiểu biết cho DN, người sản xuất trong nước nhận biết và sử dụng các biện pháp PVTM hợp lý, hiệu quả, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh ngay tại thị trường trong nước.
Thực tế cho thấy, các vụ khởi xướng điều tra về PVTM có thể bắt đầu với bị đơn là một DN hoặc một vài DN. Tuy nhiên nguy cơ thiệt hại cho cả một ngành hàng là rất lớn. Theo đó, các cơ quan chức năng, các hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho DN, hội viên để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cho DN, hội viên biết.
Đồng thời, để phát huy các mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực phát sinh từ các quy định về PVTM, cơ quan Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho DN về PVTM thông qua nhiều hình thức, hỗ trợ trực tiếp, giải đáp pháp luật, quy trình ứng phó với một vụ việc về PVTM; thành lập các tổ chức trung gian để thực hiện tư vấn pháp lý, hỗ trợ hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ điều tra pháp lý về PVTM.
Xin cảm ơn ông!