Doanh nghiệp Nhà nước có lãi khi đầu tư ra nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài làm ăn tốt
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết, tính tới cuối 2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2, với tổng vốn đầu tư là 6,62 tỉ USD.
PVN có lãi khi đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: PVN |
Trong số này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đầu tư trên 4 tỉ USD; Viettel đầu tư 1,5 tỉ USD; còn Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đầu tư trên 0,77 tỉ USD. Sau hàng chục năm đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp này (chủ yếu là PVN và Viettel) đã có lãi chuyển về nước khoảng 2 tỉ USD.
Chính phủ đánh giá nhiều dự án ghi nhận doanh thu tốt. Một số dự án hiệu quả, vốn thu hồi lớn hơn số bỏ ra đầu tư như dự án thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Nga của PVN; dự án khai thác sắt, vàng của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế (Quân khu 4); Dự án viễn thông của Viettel tại Campuchia, Lào.
Tuy nhiên, lợi nhuận có được vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Điều này dẫn tới số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam giảm gần 10% so với năm 2021.
Cùng đó, các dự án có lỗ lũy kế vẫn tăng, một số dự án gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chưa phát sinh thu hồi vốn. Một số lĩnh vực, dự án đầu tư không đạt hiệu quả, phải dừng, có nguy cơ mất vốn, như dự án thăm dò khai thác dầu khí của PVEP, dự án muối mỏ Kali ở Lào của Vinachem. Hay dự án viễn thông của Viettel tại Cameroon gặp rủi ro tỉ giá, lỗ lũy kế lớn.
"Sức khoẻ" của các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước ra sao?
Cũng tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ thông tin về tình hình "sức khỏe" của 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước đến cuối 2022, trong đó 676 đơn vị có vốn Nhà nước từ 50%.
Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chiếm 0,08% về số lượng trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp. Quy mô tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỉ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Báo cáo của Chính phủ nêu, tính đến cuối năm 2022, có khoảng 9% doanh nghiệp nhà nước có lỗ phát sinh, tổng lỗ 29.456 tỉ đồng. Số doanh nghiệp còn lỗ lũy kế chiếm 21%, hơn 69.890 tỉ đồng.
EVN lỗ hơn 26.000 tỉ đồng trong năm 2023. Ảnh: EVN |
Ví dụ, năm ngoái EVN lỗ gần 26.500 tỉ đồng trước thuế và sau thuế gần 20.750 tỉ đồng. Các yếu tố như giá nhiên liệu, than dầu khí, tỉ giá USD/VNĐ tăng cao đột biến so với năm 2020, 2021 đã làm chi phí của tập đoàn này tăng thêm trên 39.780 tỉ đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới bảo toàn vốn của công ty mẹ EVN.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%. Riêng số tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nợ phải trả tăng 4% so với 2021, trên 1,43 triệu tỉ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này.
Nhiều hạn chế trong đầu tư, kinh doanh được Chính phủ chỉ ra, như một số chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng tới nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, như công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Chính phủ cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế, trọng tâm là sửa Luật 69/2014, trong đó bổ sung quy định vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp. Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp vào hoạt động, quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.