Dưới góc độ nghiên cứu, ông nhìn nhận hoạt động của doanh nghiệp (DN) tác động như thế nào tới môi trường?
Khi nói về DN tác động tới môi trường thì cần hiểu trên hai khía cạnh là tác động tiêu cực và tác động tích cực. Đối với những tác động tiêu cực, có thể kể đến việc xả thải gây ô nhiễm môi, khai thác tài nguyên không tuân thủ theo đúng quy định, không có báo cáo đánh giá môi trường... Về nguyên nhân, do bản thân các DN chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường. Hơn thế, giải quyết môi trường là bài toán kinh tế lớn, đòi hỏi DN phải có vốn đầu tư, thế nhưng tiềm lực hạn chế khiến không ít DN "lực bất tòng tâm".
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá chúng tôi nhận thấy, số những DN đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường họ không phải trong nhóm các nước phát triển. Vì thực tế, DN từ các nước phát triển như Nhật Bản hay EU, khi đầu tư họ đã tính toán rất kỹ cả chi phí đầu tư môi trường trong đó.
Với DN trong nước, trước đây, nói đến môi trường dường như là nói đến một vấn đề gì đó không liên quan đến họ, nhất là những DN nhỏ và vừa, hay DN ở các làng nghề. Nhưng thời gian gần đây, nhiều DN trong nước đã quan tâm hơn đến môi trường, họ sẵn sàng đầu tư vào môi trường để cho sản xuất sạch hơn, chất lượng lao động tăng lên. Ví dụ điển hình ở phía Bắc, có thể kể đến Khu công nghiệp xanh Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), họ lấy bảo vệ môi trường làm cốt lõi cho sự phát triển. Hay trên cả nước cũng có không ít DN thực hiện tốt Nghị định 82/2018, tham gia vào khu công nghiệp sinh thái và đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường |
Mặc dù pháp luật đã có quy định, song trên thực tế còn không ít DN vẫn vi phạm về môi trường, theo ông, vì sao tồn tại nghịch lý này?
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là mối quan hệ ràng buộc với nhau, không xem nhẹ vấn đề nào, nhưng trong bối cảnh như đất nước ta đang hoàn thiện dần thể chế kinh tế thị trường, sự cạnh tranh, cũng như các quy định, quá trình thực thi còn một số vấn đề... thì việc DN gây ô nhiễm môi trường cũng khó tránh khỏi. Tình trạng này ở nước nào cũng vậy không riêng gì Việt Nam.
Hơn thế, trong điều kiện nước ta đang phát triển, trình độ công nghệ còn thấp, trong khi bảo vệ môi trường đòi hỏi trình độ công nghệ cao thì việc chúng ta có những DN gây ra ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, trong quản lý, chúng ta đang sửa đổi, hoàn thiện dần các quy định để phù hợp với tính thực tiễn, nhưng cũng phải nhìn vào tăng trưởng của nền kinh tế chứ không thể nhìn một phía được.
Để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, ngoài khuôn khổ pháp lý là cần thiết thì ý thức tự giác của DN đóng vai trò rất quan trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
So với trước đây, ý thức bảo vệ môi trường của các DN đã nâng cao hơn, nhất là sau sự cố formosa thì nhận thức của người dân, các cấp lãnh đạo đã thay đổi, đó cũng là bước ngoặt. Nói như thế không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn. Thực tế vẫn còn DN gây ô nhiễm, nhất là DN vừa và nhỏ, DN trong các làng nghề mà chúng ta chưa quản lý được. DN lớn thì đã có quy chế quy định, hơn nữa, công tác thanh tra, kiểm tra đã chặt chẽ hơn.
Nhiều sản phẩm được tái chế từ nhựa |
Như tôi đã nói, bản chất của DN là lợi nhuận. Nếu họ thấy việc đầu tư cho môi trường đem lại lợi nhuận, lợi ích lớn hơn so với chi phí khắc phục thì họ sẽ tự có ý thức khôi phục hơn, để tránh được pháp luật và pháp lý. Quan điểm của tôi là làm thế nào để DN cùng đồng hành với Chính phủ là tốt nhất. Nhà nước tạo ra những cơ chế để họ có trách nhiệm, đó là cách làm hài hòa giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường.
Đánh giá của ông về mức độ sẵn sàng của DN trong chuyển đổi sang công nghệ xanh? Theo ông, cần có giải pháp gì để khuyến khích DN thực hiện hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường là vấn đề của nhiều bên liên quan: Về quản lý nhà nước là của nhiều bộ, ngành; còn về xã hội là của người dân, DN, các tổ chức chính trị xã hội thì mới tạo ra được một động lực chung. Bài học kinh nghiệm những nước đi trước chúng ta đều thấy chuyện đó, gần ta nhất là Hàn Quốc hay Nhật Bản là ví dụ điển hình.
Tôi cho rằng, thực chất để có chiến lược về kinh doanh lâu dài thì DN nên quan tâm sớm (trong khả năng của mình) và thay đổi dần, vì không sớm muộn gì DN trên thương trường cũng khó bán trên thương trường. Ví dụ, cùng là 1 hãng sơn nhưng nếu hãng này được dán nhãn sinh thái vào đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn thay vì không có dãn nhãn. Hay đơn giản là chuyện ra chợ mua rau, nếu cửa hàng nào sản phẩm có mã vạch thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng lựa chọn. Đó là thực tế, những DN đã có ý thức, đầu tư công nghệ thì sản phẩm sẽ có thương hiệu trên thị trường, còn những DN không đảm bảo an toàn, không đáp ứng được cơ chế thị trường thì sẽ tự đào thải là lẽ tất yếu.
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, nhận thức là vấn đề quan trọng của DN, khi nhận thức của chủ DN tốt sẽ có hành động đúng. Khi DN quan tâm đến hoạt động môi trường, đến chi phí môi trường, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp hơn với môi trường, đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, sạch, chắc chắn sẽ thu nhận được sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, số lượng sản phẩm bán ra sẽ cao hơn, qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, cho DN. DN muốn tồn tại lâu dài phải quan tâm đến môi trường, không nên làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, đầu tư ngắn hạn mà cần có chiến lược đầu tư theo hướng dài hạn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!