Đua tăng lãi suất
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng cho thấy lãi suất huy động đã có sự điều chỉnh gia tăng từ tháng 10 nhưng gần đến cuối năm mức tăng càng cao. Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng cao nhất là 8,8%/năm, gây nhiều áp lực lên lãi suất cho vay.
Mới đây, VPBank công bố biểu lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn thuộc diện áp trần trong một sản phẩm huy động. Tùy theo mức tiền gửi, ngân hàng này áp các mức từ 8,3% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13, 24 và 36 tháng.
Hay Agribank cũng tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng từ 4,8% lên 5%/năm; Vietcombank tăng từ 4,8% lên 5%/năm. Trước đó VietinBank cũng nâng mức lãi suất kì hạn này lên 5% vào cuối tháng 11; Techcombank tăng 0,2 điểm %, nâng các mức lãi suất từ 4,8% - 5% lên 5% - 5,2%/năm.
Còn trên thị trường liên ngân hàng, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7/12 cho thấy, lãi suất cũng tiếp tục tăng ở một số kỳ hạn với ãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm là 4,84%/năm, kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng cao nhất lần lượt là 4,91% và 5,24%.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch. Nguyên nhân là các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm 2019 theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, đồng thời nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.
Lý giải nguyên nhân lãi suất tăng, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC - cho biết, bản thân các ngân hàng đang chạy đua nguồn vốn tăng trưởng trong năm 2019 để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN áp dụng từ 1/1/2019. Vì cần cơ cấu lại nguồn vốn nên ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay.
Lãi suất tăng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu với chi phí tăng |
Lo chuyện xoay vòng vốn cho mùa kinh doanh cuối năm
Xu hướng gia tăng lãi suất của các ngân hàng là điều bất lợi cho DN, bởi cuối năm là thời điểm DN cần vốn để sản xuất. Nhiều DN tỏ ra quan ngại khi chi phí lãi vay tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhưng sử dụng vốn vay là việc đặng chẳng đừng.
Bà Hoàng Minh Hòa - Giám đốc Công ty Kinh doanh thực phẩm Lan Trinh cho hay, việc ngân hàng nâng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay tăng đã đẩy chi phí của DN tăng lên đáng kể. Trung bình hàng tháng chi phí lãi vay của DN này khoảng 3 tỷ đồng nhưng trong các tháng cuối năm đã “đội thêm” khoảng 10%. “Vì nhu cầu sử dụng vốn nhiều nên chúng tôi vẫn phải duy trì, thậm chí bổ sung khoản vay. Trong khi đó trước áp lực cạnh tranh, giá hàng hóa không thể tăng khiến hiệu quả kinh doanh giảm”, bà Trinh lo lắng.
Thậm chí, các DN có quy mô lớn cũng đang lo lắng về chi phí của các khoản nợ vay bởi thực tế nhiều ngân hàng chào mức lãi suất cho vay từ 6,5 - 7%/năm, song rất ít DN được hưởng mức ưu đãi này. Mức lãi suất vay mà nhiều DN đang phải trả dao động từ 8 - 11%/năm, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên do cần vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh mùa vụ cuối năm, nên dù lãi suất cao, DN vẫn phải vay.
Đồng tiền của hầu hết các nước đều mất giá đáng kể trong năm 2018, nên xu hướng tăng lãi suất ở Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, các DN phải tính toán để tái cơ cấu các khoản vay cho phù hợp với tình hình thực tế. |