Vốn của doanh nghiệp thành lập mới tăng 34,3%
Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,1%. Đánh giá về kết quả này, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Sự gia tăng về số lượng cũng như số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh |
Tính chung, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.152,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 doanh nghiệp thay đổi đăng ký vốn thì tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 2.095,1 nghìn tỷ đồng. Bình luận về con số này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định: Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái, nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp khá lớn.
6 tháng đầu năm, cả nước cũng ghi nhận 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 93,2 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, trung bình mỗi tháng cả nước có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước những tháng đầu năm, nhưng với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đáng khích lệ, lãi suất ở mức thấp… đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp gia nhập thị trường, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp vẫn khó khăn
Mặc dù số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chịu tác động lớn từ dịch bệnh, thể hiện qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng là 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ 2020.
6 tháng đầu năm cũng ghi nhận có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2016-2021 thì tỷ lệ này cơ bản không có sự thay đổi lớn (tỷ lệ trung bình giai đoạn 2016-2021 là 24,1%). Tỷ lệ này cũng thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tăng 38,2% của 6 tháng đầu năm 2020 và 2019.
Đặc biệt, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo. Đa số những doanh nghiệp này có quy mô vốn nhỏ, từ 0-10 tỷ đồng với 32.251 doanh nghiệp, chiếm 90,6% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm. Điều đó càng chứng tỏ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp họ ổn định lại sản xuất, vượt qua dịch Covid-19.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đa số các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ là đối tượng tiếp tục chịu tác động từ dịch Covid-19. |