Doanh nghiệp điện tử tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Nhận diện cơ hội
Phát biểu tại một sự liện quan đến chuỗi cung ứng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI); Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng: Việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam được trải rộng tương đối đầy đủ trong hầu hết các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng dự án ít, nhưng số vốn đầu tư lớn.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: KL) |
Đặc biệt, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng: Theo sau các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn về gia công lắp ráp của các “ông lớn” đầu chuỗi, những năm gần đây, số lượng dự án và vốn đầu tư vào hạng mục sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể. Những năm 2013-2014, ghi nhận số vốn đầu tư vào hạng mục gia công lắp ráp thì giai đoạn 2015-2017 Việt Nam thu hút được nhiều dự án sản xuất linh, phụ kiện lớn. Xu hướng tương tự cũng diễn ra từ năm 2019 đến nay, khi số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký ở hạng mục gia công lắp ráp gia tăng, số lượng dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, cụm linh kiện cũng gia tăng.
Điển hình, năm 2021, Foxconn đầu tư 453 triệu USD sản xuất lắp ráp máy tính bảng, thì đầu năm 2023, công ty con của Foxconn cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ.
Hiện nay, một số thương hiệu lớn nhất có nhà cung cấp hiện đang sản xuất tại Việt Nam là Apple, Canon, LG, Samsung, Microsoft, Google… Việc Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được chứng minh qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cấp hàng đầu như Foxconn. Điều đó cho thấy, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tuy vậy, tính kết nối của doanh nghiệp nội địa Việt Nam với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả” – bà Đỗ Thị Thúy Hương thông tin.
Doanh nghiệp nội khó chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: KL) |
Giải pháp để doanh nghiệp nội chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Mặc dù có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng theo đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, 3 khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt khi “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm: Thứ nhất, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến và nâng cao năng lực để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm có thể cạnh tranh được về giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như thời gian đáp ứng với các đối thủ trong và ngoài nước. Từ đó, nâng cao năng lực, mở rộng quy mô và tham gia sau hơn vào các chuỗi cung ứng lớn hơn, quy mô thị trường rộng hơn.
Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới thành lập, vì vậy tiềm lực tài chính khá yếu, năng lực và kinh nghiệm thị trường không nhiều. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm sự tăng trưởng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nội địa cho các ngành công nghiệp liên quan nói chung.
Thứ ba, là năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu.
Từ những thách thức trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách đồng bộ, thậm chí mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, một trong những chính sách có thể áp dụng là cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới theo cơ chế sandbox trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số cũng như chiến lược phát triển ngành bán dẫn. Đặc biệt, về phía doanh nghiệp, cần phải nhanh nhạy, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển mình, nắm bắt các xu thế mới, tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm trên, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…
"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa thì cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay" – TS Lê Duy Bình nêu.