Thứ năm 21/11/2024 22:11

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP

Nhằm tăng tận dụng ưu đãi từ CPTPP, doanh nghiệp dệt may kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ “mềm hóa” quy tắc xuất xứ của hiệp định này.

Nhiều khó khăn đang chờ đợi

Ngành dệt may hiện dành trên 85% năng lực sản xuất cho xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường xuất khẩu chính của ngành vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việt Nam hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng ngoài những thị trường lớn kể trên, kim ngạch tại những thị trường khác còn nhỏ. Mục tiêu trong thời gian tới của ngành là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phân khúc khách hàng, sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, làm thế nào tăng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Một trong những giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu này, theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, là sự hỗ trợ kịp thời về thông tin của Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài. “Hiện nay, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động. Những biến động này tác động ra sao tới các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có ngành dệt may, Thương vụ là đơn vị có thể cung cấp thông tin sát nhất cho doanh nghiệp” - ông Cẩm nhấn mạnh.

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị “mềm hóa” quy tắc xuất xứ trong CPTPP. Ảnh: Dony

Cũng theo ông Cẩm, liên quan đến việc gia tăng rào cản kỹ thuật tại các thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng rất quan trọng. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin về những biện kỹ thuật này, như: Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ, đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU... “Thương vụ Việt Nam tại địa bàn là những đơn vị có thể nắm bắt nhanh nhất, cần cảnh báo sớm để doanh nghiệp trong nước có biện pháp ứng phó”, ông Cẩm cho hay.

Về tăng khả năng khai thác ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Cẩm thông tin: Hiện, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Canada đều mong muốn có thể đàm phán hiệp định thương mại song phương, hoặc Hiệp định thương mại ASEAN - Canada để hạn chế công đoạn sản xuất. Quy tắc xuất xứ trong CPTPP là quy tắc 3 công đoạn và từ sợi trở đi, nhưng cả hai phía đều mong muốn chỉ cần 2 công đoạn, nghĩa là từ vải trở đi.

Mặt khác, Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã phê duyệt được hơn một năm nhưng tiến độ triển khai chậm. Hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy tiến độ thực hiện chiến lược này để hình thành được các tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn nhằm phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cho ngành dệt may.

Khuyến cáo từ chuyên gia

Việc các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam gia tăng các biện phòng vệ thương mại là xu hướng phổ biến hiện nay. Trong đó, tại Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - cho biết: 5 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ giảm 3% nhưng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong khi đó Bangladesh giảm 10,4%, Mexico giảm 4%, Indonesia giảm 9,9%, Pakistan giảm 5,3%.

Dự báo, trong thời gian tới, khi mùa thu đông đến, các nhà cung ứng tiếp tục tích trữ hàng hóa thì mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may sẽ tiếp tục tăng”, ông Hưng nhận định. Ông cũng đồng thời đề xuất, doanh nghiệp trong nước có thể tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu thế mạnh của Hoa Kỳ như mặt hàng bông, qua đó cân bằng cán cân thương mại cũng như tăng cơ hội hợp tác hai bên.

Về tăng khả năng tận dụng CPTPP, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada - cho hay: Qua làm việc, Hiệp hội Dệt may Canada đã bày tỏ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng do các doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi trong CPTPP. “Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu lớn thứ hai về dệt may sang Canada. Việc tham gia vào CPTPP giúp kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada từ năm 2018 đến năm 2023 đã tăng gấp đôi” - bà Quỳnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo thị phần cũng như tốc độ tăng trưởng dệt may sang địa bàn, trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Bagladesh, Campuchia đang được hưởng GSP, việc làm “mềm hóa” hay thuận lợi hóa quy tắc xuất xứ trong CPTPP rất cần thiết. Quan trọng, cả Việt Nam và Canada không bị xung đột lợi ích trong vấn đề làm “mềm hóa” quy tắc xuất xứ này.

Trong thực tế, một số thành viên của CPTPP như New Zealand và Chile đã có phụ lục riêng và đơn giản hóa quy tắc xuất xứ chỉ từ cắt và may chứ không phải là từ sợi trở đi. “Ở góc độ của địa bàn, Thương vụ cho rằng việc đơn giản hóa quy tắc xuất xứ sẽ có tác động tích cực đối với xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Canada”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada khẳng định.

Để có căn cứ làm việc với phía Canada, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada đề nghị, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có đề xuất bằng văn bản gửi Bộ Công Thương để Bộ báo cáo Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ sẽ làm việc với đối tác Canada tiến đến ký kết quy chế song phương hoặc đàm phán để thuận lợi hóa hơn nữa quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong CPTPP.

Năm nay, Canada là Chủ tịch luân phiên của CPTPP, quốc gia này đặt ra ưu tiên xem xét lại việc thực thi hiệp định và các điều khoản trong CPTPP. Do vậy, việc đàm phán song phương để thuận lợi hóa quy tắc xuất xứ hoặc tiến đến ký kết với thỏa thuận riêng về xuất xứ giữa Canada và Việt Nam hoàn toàn có khả năng” - bà Quỳnh nhận định.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp hội dệt may Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Bài 4

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 3

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 2

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Tạo 'đường ray' phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới -Bài 1

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 3

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu