Thứ hai 28/04/2025 23:31

Doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh đầu tư công nghệ

Trong bối cảnh thị trường dệt may thế giới chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 0,5%, doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khuyến cáo phải mạnh tay đầu tư cho công nghệ sản xuất nhằm tăng thị phần và chiếm ưu thế trước các quốc gia cạnh tranh “nặng ký” như Ấn Độ, Bangladesh…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sức ép cạnh tranh lớn

Năm 2017, ngành dệt may đã có dấu hiệu khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sự tăng trưởng của ngành tuy khả quan nhưng chưa bền vững. Do ảnh hưởng từ đường lối bảo hộ mậu dịch của Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2017. Theo đó, nguy cơ các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu ngày càng hiện hữu.

Ngành dệt may cũng đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất, mạnh về khâu may xuất khẩu nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, do đó phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay cả thế mạnh là cắt may thì phương thức gia công xuất khẩu vẫn là chủ yếu. Các đơn hàng sản xuất phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, từ thiết kế, nguyên liệu…, doanh nghiệp chỉ lấy công làm lãi, giá trị gia tăng rất thấp.

Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đều có xu hướng giảm nhập khẩu loại hàng hóa này. Cụ thể: Mỹ giảm gần 1%; EU giảm hơn 2%; Nhật Bản giảm 0,6%. Cùng với đó, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá.

Trong khi đó, các trợ lực được kỳ vọng hỗ trợ cho xuất khẩu của dệt may Việt Nam như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương chưa có hiệu lực. Những điều này đã mở ra viễn cảnh cạnh tranh rất gay gắt cho dệt may Việt Nam ngay trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Tăng lợi thế năng lực sản xuất

Trước viễn cảnh không mấy khả quan trên, một trong những giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo là dệt may Việt Nam phải tăng thị phần và thu hút khách hàng từ các quốc gia xuất khẩu dệt may khác. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ càng sớm càng tốt, thậm chí phải “thắt lưng buộc bụng” cho đầu tư.

Thực hiện định hướng trên, 6 tháng đầu năm, Vinatex đã thực hiện 21 dự án với tổng kinh phí được phê duyệt trên 2.945 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án mở rộng nhà máy may, Tập đoàn cũng thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất nguyên phụ liệu.

Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả, như: Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ đầu tư thiết bị tự động hóa cho một số công đoạn làm áo sơmi và sản xuất áo veston...

Việc đầu tư cho công nghệ, nhất là ứng dụng thiết bị tự động vào sản xuất là cần thiết, giúp doanh nghiệp không bị đào thải khỏi hệ thống chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex, đây là mục tiêu khó tiếp cận, có yêu cầu cao về con người và nguồn vốn. Vì vậy, doanh nghiệp phải quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn bị tốt các bước chuyển đổi để vừa cập nhật hệ thống sản xuất phù hợp, vừa tận dụng nguồn lao động dồi dào.

Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Vinatex: Để đứng vững trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc xuất khẩu dệt may, doanh nghiệp trong nước buộc phải đầu tư mạnh cho công nghệ sản xuất. Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp dệt may cần thực hiện đúng hợp đồng về số lượng và thời gian giao hàng.
Bùi Việt
Bài viết cùng chủ đề: Dệt may