Doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, chờ cơ hội phục hồi
Tái cấu trúc trong khó khăn
Trong bối cảnh dòng tiền bị đứt gãy, tiếp cận vốn khó khăn, các doanh nghiệp đang bắt đầu quyết liệt tái cấu trúc hoạt động nhằm từng bước vượt qua khó khăn. Theo đó, việc linh hoạt xoay chuyển theo diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phân khúc khách hàng và tập trung hơn cho nâng cao chất lượng nhân lực là điều mà nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Một trong những lĩnh vực đang được tái cấu trúc sâu rộng là ngành dệt may. Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - Vita Jean cho biết, để bù đắp cho sự thiếu hụt ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, công ty đang mở thêm các thị trường mới. Đồng thời, cân đối lại các mặt hàng. Nếu như trước đây, nhiều mặt hàng căn bản, doanh nghiệp không làm thì giờ đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm những mặt hàng này.
“Trong dài hạn, công ty tiếp tục hướng đến các thị trường như EU và Mỹ. Còn ngắn hạn là các thị trường như Canada, Úc với những sản phẩm cần số lượng với giá rẻ. Với thị trường Việt Nam, công ty sẽ định hình lại các sản phẩm để cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Các doanh nghiệp gỗ đang đẩy mạnh tái cấu trúc sản phẩm, chờ cơ hội phục hồi |
Tương tự, đối với ngành gỗ, tái cấu trúc là yêu cầu tất yếu. Tại Công ty gỗ lâm Việt, ông Nguyễn Liêm – Giám đốc Công ty cho biết, hiện công ty đang tập trung tìm kiếm đơn hàng, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá bán để có đơn hàng mới. Bên cạnh đó, Công ty cũng kiểm soát chặt chẽ mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh là cơ sở để phát triển khách hàng mới, đơn hàng mới.
“Để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi. Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải…để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, trước những khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, tập trung vào tiêu chí sản phẩm chất lượng nhưng giá tốt, phù hợp với thị hiếu khách hàng và chú trọng chính sách hậu mãi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi công nghệ, tăng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Tập trung cho đào tạo nhân lực
Bên cạnh nỗ lực tìm kiếm thị trường và tái cấu trúc, nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn đến chất lượng nhân lực. Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, trước đây, May 10 có thể chuyên môn hóa đạt năng suất tốt nhất nhằm giảm giá thành sản phẩm, nhưng hiện nay phải đa dạng hóa và đào tạo theo hướng một công nhân có thể làm nhiều kỹ năng, đa tay nghề để đáp ứng được sự thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện có lộ trình theo hướng xanh hóa sản phẩm, nếu không có những bước hành động mạnh trong thời gian tới sẽ bị lỗi thời hoặc khách không đặt hàng đối với các đơn vị không bảo đảm các tiêu chí về sản xuất xanh.
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, ông Lê Đức Huỳnh - Giám đốc Công ty TNHH TMDV sản xuất Huỳnh Đức cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và trang bị máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng lớn trong Khu công nghiệp Amata để hoạt động bài bản hơn. Những sự đầu tư này có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai và có thể chen chân vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.
Trong khi đó, Giám đốc Nhà máy Thực phẩm Cô Cô Việt Nam (Đồng Nai) Trần Văn Hải cho hay, để đem tới cho khách hàng những sản phẩm tốt, doanh nghiệp bắt buộc phải ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến thực phẩm. Đây cũng là cách trực tiếp truyền tải tri thức vào trong sản phẩm.
Để làm được điều này, doanh nghiệp phải thường xuyên đào tạo lao động. Theo đó, hiện công ty đang dành khoảng 20% chi phí cho đầu tư máy móc, thiết bị và nâng cao tay nghề lao động. “Muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng chiến lược giúp bà con nông dân có đầu ra ổn định, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững từ vùng nguyên liệu, mở rộng bán hàng thì việc đào tạo nội bộ rất quan trọng. Doanh nghiệp đang phấn đấu trong năm 2023 sẽ áp dụng công nghệ và nâng cao chất lượng lao động, nhà máy phấn đấu có công suất tăng gấp 4 lần nhưng không phải tăng thêm lao động”, ông Trần Văn Hải cho biết.