Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Khó tiếp cận vốn vay
Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội năm 2022 được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi |
Hội nghị nhằm kết nối doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệpchủ lực tiếp cận gần hơn với khối ngân hàng trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tại hội nghị, đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho biết, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như: Thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Theo HAMI các thủ tục cho vay hiện vẫn khó khăn và nhiều doanh nghiệp còn “loay hoay” khi tiếp cận nguồn vốn này.
Theo ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), thường các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải mất thời gian dài từ 3 - 5 năm để sản xuất, kinh doanh có lãi. Ông Vân đề xuất, các tổ chức ngân hàng quan tâm, xem xét hỗ trợ và cho vay với mức lãi suất tốt, thời hạn cho vay dài và đề nghị ngoài thủ tục cho vay thế chấp, nên “nới” thêm hình thức cho vay tín chấp.
Bà Nguyễn Thạnh Vinh - đại diện chủ đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Văn - Tân Ước - cho biết, hiện cụm công nghiệp này đã có 43 nhà đầu tư với số vốn rất lớn. Các nhà đầu tư đã góp vốn hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai hạ tầng cụm công nghiệp. Nhưng hiện tại việc thu hút các dự án vào rất khó bởi nhiều nhà đầu tư còn đang phân vân có vay được vốn ngân hàng hay không. Chính vì thế, cụm công nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa nếu không vay được vốn ngân hàng. Từ thực tế này, bà Vinh kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện để chủ đầu tư cụm công nghiệp vay được vốn.
Về phía ngân hàng, ông Hồ Văn Tuấn - Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch - cho hay, Vietcombank đã nghiên cứu, thống nhất ưu tiên zoom tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ; hạn chế vào các lĩnh vực rủi ro cao như: Chứng khoán, bất động sản...
Thực tế, theo ông Nguyễn Trọng Tĩnh - Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, trong quá trình giải quyết các hồ sơ cho vay, MSB cũng gặp khó khăn đặc biệt là công tác minh bạch khi kê khai tài chính trong gói vay tín chấp đối với các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực. Chính vì thế, ông Tĩnh cũng đề nghị thời gian tới, các hội và hiệp hội cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra một môi trường minh bạch để ngân hàng có thể tiếp cận dễ hơn.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhận định, hiện nhiều ngân hàng vẫn còn zoom tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc hướng dẫn xây dựng đề án phát triển sản xuất để vay được nguồn vốn tín chấp, hoặc những tài sản để thế chấp như thế nào? khả năng tài chính công khai minh bạch của các đơn vị ra sao? để đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng là vấn đề mà doanh nghiệp còn vướng. Để các doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tiếp cận được với ngân hàng là hết sức khó khăn, do đó thông qua kênh hiệp hội, các ngân hàng sẽ truyền tải được toàn bộ thông tin về các quy định, yêu cầu, thủ tục đối với các doanh nghiệp cần vay vốn. Từ đó, các hiệp hội sẽ truyền thông và hướng dẫn, tư vấn chi tiết, cụ thể cho các doanh nghiệp trong nhóm để có thể xây dựng các đề án vay vốn dễ dàng hơn.