Doanh nghiệp cần làm gì để tránh 'bẫy' lừa đảo thương mại quốc tế?
Ngày càng nhiều hình thức lừa đảo thương mại quốc tế
Thương mại quốc tế càng phát triển, kim ngạch /chu-de/xuat-nhap-khau-hang-hoa.topic càng tăng cao thì lừa đảo trong giao thương quốc tế càng vấn đề “nóng”. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ, các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với thông tin bịa đặt hoàn toàn hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).
Thương mại quốc tế càng phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu càng tăng cao thì lừa đảo trong giao thương quốc tế càng “nóng” (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Lợi dụng tâm lý Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Hơn nữa, khi doanh nghiệp có ý định xác minh tư cách pháp nhân, họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế lại không thể xác minh vì không có thật.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cũng cho biết, ở thị trường Na Uy, các đối tượng lừa đảo một cách tinh vi bằng cách lập hẳn website ngân hàng giả mạo, lừa doanh nghiệp Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc đến địa chỉ do chúng yêu cầu tại Na Uy và cho người theo dõi tracking chứng từ, đón lõng để nhận bộ chứng từ gốc để nhận hàng và không thực hiện thanh toán.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng cho biết, trong năm 2023, số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn Canada tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật. Tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra tại các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi mà ngày càng phổ biến tại các thị trường lớn, có uy tín như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italia, Na Uy…
Vào tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Doanh nghiệp Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET với đối tác UAE với trị giá 665.500 USD. Thế nhưng, sau khi nhận đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ. Đây cũng là một bài học để doanh nghiệp Việt cần phát triển thêm cơ chế quản lý rủi ro cũng như không nên mạo hiểm trước rủi ro lớn trong giao thương.
Theo Bộ Công Thương, có nhiều lý do làm gia tăng lừa đảo trong thương mại quốc tế. Cụ thể, các doanh nghiệp tại Việt Nam có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết thiếu tính chặt chẽ. Mặc dù, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.
Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo ngày càng có bước phát triển mới, doanh nghiệp lại càng dễ vướng phải rủi ro, không chỉ ngoài nước mà cả trong nước, không chỉ giao thương mà cả trong cả cuộc sống hàng ngày.
Chưa kể, sau một năm gặp nhiều khó khăn, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu dần khởi sắc. Đơn hàng nhiều hơn đang bù đắp cho giai đoạn doanh nghiệp phải giảm sản xuất do khó khăn nên đôi khi doanh nghiệp chủ quan, không kiểm tra kỹ đơn hàng và đối tác, dẫn đến các vụ việc rủi ro không đáng có.
Cần làm gì để tránh bẫy lừa đảo?
Trong bối cảnh các vụ việc lừa đảo thương mại quốc tế đang ngày càng tinh vi, các chuyên gia cho rằng, các công ty Việt Nam khi tiến hành hợp tác thương mại với các công ty Na Uy cần xác minh thẩm định doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp lần đầu giao dịch. Đối với các hợp đồng lớn, cần giao dịch trực tiếp, tránh chỉ giao dịch qua internet.
Đối với việc thanh toán, cần chọn phương án thanh toán đảm bảo an toàn như mở L/C không hủy ngang và yêu cầu ngân hàng kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ.
Đối với các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp nên thuê luật sư để soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ. Các doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án bảo lãnh thanh toán qua ngân hàng, mua bảo hiểm hàng hóa hoặc có thể sử dụng các dịch vụ logistics để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu doanh nghiệp trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hoá để giảm bớt thiệt hại.
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại chỉ rõ, bài học từ vụ 100 container điều bị lừa đảo ở Italia năm 2022 và vụ 5 lô hàng gia vị bị lừa đảo ở UAE năm 2023 cho thấy, vai trò của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin cũng như xử lý các sự cố phát sinh trong giao thương quốc tế.
Do đó, doanh nghiệp cần tạo mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng đáng tin cậy, đặc biệt là ở các thị trường quá xa mà doanh nghiệp ít tiếp xúc. Khi xuất khẩu hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay lại càng cần thận trọng khi có các đơn hàng mới.
Ngoài ra, lựa chọn các phương thức thanh toán thông qua các ngân hàng vì tạm thời, đây vẫn là phương án ít rủi ro nhất.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho hay, hiện Bộ Công Thương đã, đang và sẽ phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nhằm hạn chế tối đa các rủi ro trong thương mại quốc tế.