Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Thời điểm "vàng" để giành thị phần
Sôi động thị trường bán lẻ
Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm 2018, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự gia tăng mạnh cả về quy mô và tốc độ khi tăng trưởng 11,6% so với năm 2017, vượt mức Quốc hội và Chính phủ giao. Mô hình bán lẻ hiện đại ngày càng gia tăng, đặc biệt là các mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Cùng với sự thuận tiện khi nằm sâu trong các khu dân cư, nguồn cung hàng hóa tương đối đa dạng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng chính là sức hấp dẫn của các mô hình này.
Mô hình bán lẻ hiện đại ngày càng gia tăng |
"Đáng chú ý, các DN trong nước đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, điển hình như sự bùng nổ tốc độ mở mới của hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ hoặc hệ thống siêu thị mini của Saigon Coop. Việc phát triển mạnh mảng bán lẻ này đã giúp DN bán lẻ Việt dần giành lại thị phần trên thị trường" - ông Trần Duy Đông cho hay.
Ngoài ra, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trên thị trường bán lẻ đang diễn ra sôi động. Các DN Việt Nam cũng tham gia vào hoạt động này nhiều hơn, mà một trong những ví dụ điển hình là "cuộc ly hôn" của Fivimart và Aeon để giành lại thị phần cho Vinmart của VinGroup.
Tận dụng thời cơ
Ông Trần Duy Đông nhận định, năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có 5 đặc điểm đáng chú ý là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh về quy mô tốc độ như năm 2018. Bên cạnh đó, thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và hứa hẹn là lĩnh vực giúp tăng cạnh tranh cho DN bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các DN bán lẻ trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt. Mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng được nhận định ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, sự phát triển mạnh của các mặt hàng nông sản hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm; các mặt hàng liên quan sức khỏe, đồ uống, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp… sẽ giúp tăng trưởng doanh thu của các DN bán lẻ trong năm 2019.
Ngoài ra, kênh bán lẻ truyền thống vẫn là một trong những kênh bán lẻ góp phần quan trọng trong tổng mức bán lẻ vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn rất coi trọng chợ truyền thống. Do đó, trong chiến lược phát triển hệ thống phân phối hiện đại của Bộ Công Thương, chợ truyền thống vẫn có vai trò quan trọng, không chỉ là bán lẻ đơn thuần mà còn gắn với du lịch, văn hóa tâm linh.
DN Việt Nam cũng được nhận định đang có nhiều lợi thế bởi am hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng của người Việt. Bên cạnh đó, quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) vẫn đang được triển khai, được xem là công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật để hạn chế các đại gia bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước… Tuy nhiên, những cam kết hội nhập được thực thi như CPTPP sẽ khiến các quy định như ENT phải xóa bỏ trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này đang là thời cơ vàng cho các DN Việt Nam tận dụng cơ hội, giành lấy thị phần.
"Tuy nhiên, DN bán lẻ Việt phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng. Có làm được nhu vậy, DN bán lẻ mới chiếm lĩnh thành công thị phần" - ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savils, trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm). Bên cạnh ngành hàng thời trang, dịch vụ cá nhân và giải trí như trung tâm thể thao đa năng và rạp chiếu phim sẽ ngày càng mở rộng nhằm cung cấp mức sống tốt hơn cho người dân tại các thành phố lớn. |