Điều kiện để người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu
Điều kiện hưởng lương hưu
Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Người dân tìm hiểu bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh BHXH Việt Nam |
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn linh hoạt các phương thức đóng: Hàng tháng, 3 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.
Điều kiện hưởng lương hưu, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 (năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Về mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau: Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, dựa trên căn cứ quy định của chính sách và tình hình kinh tế của gia đình người lao động quyết định lựa chọn mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện phù hợp; đồng thời liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.
Thay đổi mới từ 1/7/2025
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng;
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Cán bộ, công chức, viên chức đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
Về phương thức đóng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: Hàng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần. Đóng một lần cho nhiều năm về sau với số tiền đóng thấp hơn số tiền đóng theo mức quy định. Đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, với số tiền đóng cao hơn số tiền đóng theo mức quy định.
Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động được quy định như sau: Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần. Trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần. Trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Bên cạnh đó, Điều 104 của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.
Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, theo quy định chuyển tiếp tại Khoản 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, thì mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.