Thứ bảy 09/11/2024 01:32

Điều hành xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Những ngày gần đây, liên quan đến phương án điều hành xuất khẩu gạo và cụ thể hơn là mức xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4/2020 xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Bộ Công Thương khẳng định đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Hơn thế, phương án hiện hành đã được lấy ý kiến các Bộ chức năng tới hai lần.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các Bộ rà soát, đánh giá lại lượng lúa hàng hóa trong nước, tình hình xuất khẩu, dự trữ lưu thông và các vấn đề khác để báo cáo Thủ tướng.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Công Thương thành lập đoàn liên ngành gồm các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước làm việc với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đánh giá lại cung cầu thóc gạo cho vụ đông xuân.

Trên cơ sở buổi làm việc đó, đoàn công tác liên ngành đã gửi báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng giao lại Bộ Công Thương với tư cách là Bộ quản lý nhà nước, kiểm tra lại và xin ý kiến các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án điều hành cũng như về đánh giá tình hình.

Căn cứ để đề xuất phương án xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 dựa trên quan điểm bảo đảm an ninh lương thực trong nước và tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay; theo cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa năm nay đạt khoảng 43,5 triệu tấn, sau khi trừ đi phần tiêu dùng trong nước, chăn nuôi và phần để làm giống thì khả năng xuất khẩu trong năm nay khoảng 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương khoảng 27% lượng gạo sản xuất trong nước). Cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân và hè thu sẽ thu hoạch dư ra khoảng 3 triệu tấn gạo cộng với 200.000 tấn gối vụ từ năm ngoái sang là 3,2 triệu tấn. Đến ngày 31/3/2020 đã xuất khẩu được 1,7 triệu tấn gạo, như vậy còn dư ra khoảng 1,5 triệu tấn.

Qua đánh giá chung của đoàn công tác liên ngành, trong khoản 1,5 triệu tấn gạo này dành cho thêm cho dự trữ quốc gia 300.000 tấn và 400.000 tấn dự phòng, lượng gạo sẽ còn lại là 800.000 tấn. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương và đoàn công tác liên ngành thống nhất điều hành một cách chặt chẽ, xác định tạm thời xuất khẩu trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn và sang tháng 5 sẽ tiếp tục rà soát lại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp công bố phù hợp.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là phương án điều hành xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 đã được lấy ý kiến 2 lần. Lần thứ nhất là các thành viên của Đoàn công tác liên ngành. Sau đó là trực tiếp lấy ý kiến các Bộ trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quy trình hiện nay trong điều hành xuất khẩu gạo được xác định theo theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định 107/2018/NĐ-CP, trên cơ sở có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ công bố hạn ngạch này. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, mà trực tiếp là Tổng cục Hải quan, tổ chức quản lý, kiểm tra thực hiện hạn ngạch xuất khẩu bảo đảm nguyên tắc: Công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ hiểu và dễ giám sát.

Cần khẳng định ý kiến tham gia của các bộ, ngành về phương án điều hành xuất khẩu gạo đã được Bộ Công Thương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020. Với các ý kiến mới được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo vấn đề xuất khẩu gạo (tại Văn bản số 2827 ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ) như ý kiến mới đây của Bộ Tài chính sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương tổng hợp, phân tích và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2020.

Tất cả các báo cáo của Bộ Công Thương liên quan đến điều hành xuất khẩu gạo trình Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn sau đó của Bộ Công Thương đều đã được công bố kịp thời, công khai và minh bạch để các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp nắm được và thực hiện.

Lại xuất hiện thêm câu chuyện có đến 26/28 doanh nghiệp tham gia đấu thấu của Tổng cục Dự trữ quốc gia (Bộ Tài chính) trúng thầu xong nhưng không ký hợp đồng khiến dư luận càng thêm "thắc mắc" về phương án điều hành xuất khẩu gạo của các Bộ. Ở đây phải hiểu đúng, dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc Tổng cục Dự trữ quốc gia tiến hành đấu thầu mua gạo để phục vụ cho dự trữ quốc gia là công việc được giao thường xuyên hàng năm của cơ quan này nhằm bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội trong điều hành của Chính phủ.

Trong khi đó Nghị định 107/2018/NĐ-CP không có bất cứ quy định nào buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có văn bản bảo đảm dự trữ quốc gia mới được tham gia hoạt động xuất khẩu gạo. Nghị định 107 chỉ quy định doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo phải dự trữ lưu thông tối thiểu 5% lượng xuất khẩu 6 tháng trước đó để doanh nghiệp can thiệp thị trường khi cần thiết hay có dấu hiệu bất ổn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi tham gia bình ổn giá thì doanh nghiệp được bù các chi phí.

Như vậy, dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông là hai câu chuyên có bản chất khác nhau và không có mối quan hệ gì liên quan.

Về xuất khẩu trong tháng 5/2020 vẫn phải quán triệt đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công Thương báo cáo trước ngày 25/4/2020 về phương án điều hành và hạn ngạch sẽ được xuất khẩu trong tháng 5. Hiện Bộ Công Thương cùng các bộ ngành phối hợp đánh giá nguồn cung trong nước, mùa vụ sắp tới để báo cáo Thủ tướng.

Có ý kiến cho rằng, nên phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương và đoàn công tác liên ngành đã cân nhắc tinh thần một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, một mặt kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho nên không xây dựng phương án này.

Như vậy liên quan đến phương án 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4/2020, có thể thấy, Bộ Công Thương ngay từ đầu đã bảo đảm nhất quán vai trò quản lý nhà nước, đồng thời thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quang Lộc

Tin cùng chuyên mục

Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện lớn nhất của Việt Nam

Xuất khẩu tăng mạnh, Hoa Kỳ giữ vững vị thế thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam

10 tháng, thu ngân sách nhà nước từ xuất nhập khẩu đạt 346.283 tỷ đồng

10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc tiến gần mốc 170 tỷ USD sau 10 tháng

Gạo Việt, xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Canada tăng trở lại

Xuất nhập khẩu hàng hoá 10 tháng năm 2024: Xuất khẩu tăng mạnh

Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng kỷ lục trong 10 tháng năm 2024

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 2: Cần có lộ trình phù hợp

Thương mại hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 10 tháng

Tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu điện tử đi châu Âu, châu Mỹ

Kim ngạch xuất nhập khẩu gần chạm mốc 650 tỷ USD, thặng dư 23,31 tỷ USD

Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt

Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ - Bài 1: Lúng túng trong triển khai

Xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác giảm 28,3% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xuất khẩu rau quả có thể sớm đạt 10 tỷ USD

Nhập khẩu đậu tương từ Campuchia tăng gần 8 lần

Thuế xuất nhập khẩu phân bón, thuốc lá thay đổi ra sao từ 16/12/2024?