Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
CôngThương - Sẽ thay thế Nghị định 84 sớm nhất
Là một trong những đại biểu đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, thiệt hại là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chuyển điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương liệu có xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? Nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng Nghị định 84 mới quá chậm trễ do đâu?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, người tiêu dùng đã quen với việc điều hành giá xăng dầu theo nghị định này (điều hành thường xuyên, không gây “sốc”, không gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát). Bộ trưởng cũng đánh giá cao Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đây là “van” điều chỉnh giá xăng dầu khi lên cao, xuống thấp. “Van” giúp tránh nhiều cú “sốc” bởi tăng giảm, giá xăng dầu. Bộ Tài chính cũng đã công khai hàng quý việc sử dụng quỹ bình ổn; giá cơ sở và cách tính giá cơ sở giá xăng dầu. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa việc điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường, do đó việc sửa đổi Nghị định 84 là cần thiết.
Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về Nghị định 84, Bộ Tài chính đang cùng Bộ Công Thương lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Nghị định mới có điểm quan trọng là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở xuống còn 15 ngày; thời gian giữa 2 lần tăng giá là 10 ngày. Điều hành giá xăng dầu chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương là bình thường, theo đúng Luật Giá. Bộ Tài chính quản lý về giá, hướng dẫn thanh tra, kiểm tra, các Bộ quản lý ngành sẽ điều hành giá theo phân công của Chính phủ. Dù vậy, Bộ Tài chính với vai trò, trách nhiệm của mình, trong quá trình điều hành vẫn tham gia cùng Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đối với 6 dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Ô môn 1 xây dựng bể bơi, biệt thự. Đây là công trình vay ưu đãi Chính phủ Nhật Bản, cách xa trung tâm TP. Cần Thơ nên xây dựng để phục vụ chuyên gia Nhật Bản. |
Câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga về hoạt động tạm nhập, tái xuất, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta đang quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu tạm nhập, tái xuất. Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế, phối hợp với ngành chức năng để triển khai ngăn chặn. Thời gian qua, lực lượng Hải quan đã lập 3 chuyên án: Hai vụ trên vùng biển Nam Định, Thanh Hóa, một trên tuyến đường bộ ở Cao Bằng. Kết quả bắt giữ 3.500 tấn xăng dầu, trị giá khoảng 70 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã khởi tố 18 bị can.
Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới. Thứ hai, tạo thêm điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn trong sự quản lý nhà nước, thêm nhiều đầu mối, tránh độc quyền. Thứ ba, để sử dụng hiệu quả hơn Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, còn vấn đề mới là nguyên liệu sinh học – nguồn nguyên liệu sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường.
“Xin hứa với Quốc hội, trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành Nghị định 84 mới, đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói
Việc chuyển điều hành giá sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Bộ Công Thương không phải cơ quan quyết định mà là tổ trưởng tổ điều hành giá xăng dầu. Đây là cơ chế liên ngành chứ không phải một Bộ quyết định được”. Ngoài ra, để minh bạch hóa giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã liên tục yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu công khai, minh bạch hoạt động của mình, Bộ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-BCT về việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.
DN phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế
Trước ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu về việc truy thu thuế tạm nhập, tái xuất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, căn cứ Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan: Trường hợp thay đổi ngày xuất nhập khẩu thì được thay đổi tờ khai hải quan khác. Trên cơ sở nghị định này, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan;thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư quy định: Trường hợp hàng hóa tạm nhập nhưng không tái xuất hết, DN được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan tạm nhập giải quyết thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai hải quan, không đăng ký tờ khai hải quan mới. DN chịu trách nhiệm nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Cải cách thủ tục hành chính cho DN nhưng DN phải có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế. Đơn giản về tờ khai hải quan nhưng DN phải có trách nhiệm khai và nộp thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Quốc hội sửa Luật Quản lý thuế, trong đó hoạt động tạm nhập tái xuất phải nộp thuế trước mới cho tạm nhập và Luật này Quốc hội đã thông qua.
Nợ công vẫn an toàn
Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa – Vũng tàu) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nợ công có an toàn không? Giải pháp nào đảm bảo an toàn tài chính quốc gia?
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những năm gần đây, con số tuyệt đối về nợ công có tăng lên nhưng chúng ta phải tính đến cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Trên các yếu tố này, nợ công vẫn an toàn và thấp hơn các chỉ tiêu mà Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, chỉ tiêu nợ công/GDP không thay đổi nhiều qua các năm. 50% nợ công là lãi suất thấp vay vốn ODA, lãi suất thấp, chỉ có 30% khoản vay huy động trong nước trả nợ trong vòng 1-3 năm. Do đó, cần phải có biện pháp cơ cấu lại. Cụ thể: Năm 2014 cơ cấu lại việc phát hành Trái phiếu Chính phủ, kéo dài thời gian trả hơn (5-10 năm).
Giải pháp thời gian tới là cần tiếp tục đánh giá về nợ công; phân kỳ đầu tư với các dự án; vay và quản lý đồng tiền vay; phòng ngừa chống đầu tư lãng phí, dàn trải; tính toán lại hạn mức Chính phủ hàng năm; chủ động giảm dần bội chi qua điều hành ngân sách cũng như tạm ứng ngân sách; tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu…
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ Tài chính cho biết đến nay đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN đến đâu?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành các quy định pháp lý có liên quan; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chỉ thị 06/CT-TTg về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước …
Văn bản pháp lý đã đầy đủ, vấn đề ở đây là Bộ ngành, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo. Do đó, tiến độ tùy thuộc vào người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh quá trình này.