Điều gì “ngáng đường” sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc?
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” diễn ra sáng 8/3, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) - cho biết: Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc muộn hơn so với Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng đang mạnh hơn, đây là cản trở với sầu riêng Việt Nam.
Điều gì “ngáng đường” sầu riêng Việt tại thị trường Trung Quốc? |
Sunwah đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho doanh nghiệp này phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của phía Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hóa nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển…. “Để thắng trên thị trường, phải có thương hiệu. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh”, đại diện Sunwah nói.
Bên cạnh đó, Sunwah dẫn kết quả nghiên cứu thị trường, cho rằng Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam quýt vào Vân Nam. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Sunwah đề xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo sàn giao dịch, cải thiện quá trình thương mại giữa doanh nghiệp hai nước. “Nhìn nhận khách quan, nông sản Việt Nam vào Trung Quốc nhiều, ngược lại thì ít. Tuy vậy, dù thế nào thì hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam tạo nên vị thế”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỷ USD sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông.
Sầu riêng Việt Nam dù chỉ mới xuất khẩu chính thức từ tháng 9/2022 nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu đạt giá trị khoảng 400 triệu USD. Do đó, năm 2023 khả năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường tỉ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong khi Việt Nam mới được cấp có 113 mã xuất khẩu và chưa được phép khẩu sầu riêng đông lạnh.
Đáng lo ngại, thời gian gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tiếp cảnh báo về tình trạng trên, cũng như rủi ro về chất lượng, thị trường tiêu thụ cũng được đề cập tới.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc luôn có giá thấp hơn khoảng 20% so với hàng của Thái Lan. Mặt khác, Thái Lan mới đây đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%. Theo đó, quả sầu riêng có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này của Thái Lan được cho là yếu tố để cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam thị trường Trung Quốc.
Số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, sau khi ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp rất am tường về thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Phần mềm AutoAgri – chia sẻ, sầu riêng là trái cây rất dễ gây “nghiện” cho người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường là rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề không phải ở sản lượng hay mở rộng diện tích mà yếu tố cốt lõi đó là chiến lược bài bản về kiểm soát chất lượng và giá thành. Nếu không làm tốt hai việc này thì dù sản lượng có tăng nhưng chúng ta cũng vẫn thua đối thủ cạnh tranh.
Về phía cơ quan chức năng cần có điều tra, nghiên cứu và đưa ra những cảnh báo như tại địa phương này, với chất đất như thế này, trồng cây sầu riêng chi phí đắt, giá thành cao sẽ không phù hợp. “Cần thay đổi cách tiếp cận về quản lý nhà nước, khoa học kỹ thuật và truyền thông. Phân tích về lợi ích kinh tế, đấy cũng là một cách thức để cảnh báo”, bà Nguyễn Thị Thành Thực khuyến nghị.