Điều gì đang cản trở tín dụng xanh, trái phiếu xanh?
Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa tái khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII… Đồng thời, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong chống biến đổi khí hậu như: Cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của ADB Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Dự nợ tín dụng xanh chiếm tỷ trọng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế |
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm (2017-2023), dư nợ tín dụng xanh của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trưởng bình quân hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022.
Về trái phiếu xanh, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Một số trái phiếu xanh chính quyền địa phương, trái phiếu xanh doanh nghiệp được phát hành thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, bất động sản xanh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam dù đã được triển khai hơn 10 năm nhưng quy mô vẫn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,5% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, đối với trái phiếu xanh, sự phát triển tương đối khiêm tốn, chủ yếu doanh nghiệp lớn như: Masan, Vingroup, còn BIDV mới phát hành thành công 2.500 tỷ đồng đáp ứng tiêu chí quốc tế, Moody's định dạng và được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
“Dù phát triển tích cực hơn trong những năm gần đây nhưng quy mô phát hành khoảng 1 tỷ USD rất khiêm tốn so với nhu cầu và quy mô thị trường tài chính trung và dài hạn của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hướng dẫn 12 ngành xanh từ năm 2017 |
Cần một chiến lược tổng thể
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các ngân hàng và doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia. Như nhìn nhận của PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tháo gỡ vướng mắc chủ yếu vẫn là năng lực thực thi chủ trương chính sách. “Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn dụng xanh, trái phiếu xanh, đã có quy định về chuyển đổi xanh nhưng hiện vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, tiêu chí môi trường. Việc hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nguồn cung vốn bị hạn chế. Nhận thức của địa phương, doanh nghiệp chưa đẩy đủ để tham gia vào chuyển đổi xanh nên tính hấp dẫn của dụng xanh, trái phiếu xanh còn chưa cao”, PGS, TS. Bùi Quang Tuấn chỉ ra.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh. Tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.
“Do vậy, cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay. Hơn nữa sẽ tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh”, bà Phạm Thị Thanh Tùng nêu quan điểm.
Dưới góc độ xây dựng cơ chế, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình xây dựng Danh mục phân loại xanh, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là đơn vị nào sẽ xác nhận phân loại xanh?
Hiện có 3 đề xuất về tổ chức xác nhận phân loại xanh. Phương án 1 là thông qua tổ chức độc lập, cách này được các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ủng hộ. Phương án 2 là thông qua cơ quan quản lý Nhà nước (các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường). Phương án 3 dùng các tổ chức tín dụng trực tiếp trong quá trình thẩm định các dự án tín dụng.
Để phát triển thị trường dụng xanh, trái phiếu xanh nhanh hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy các chính sách liên quan đến thị trường tín dụng xanh cần sớm được ban hành cụ thể, song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biển đổi khí hậu...
“Nhà nước tạo cơ chế thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Chính phủ, các Bộ, ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế. Bản thân doanh nghiệp cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh và quản lý rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.