Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng
Thông tin này được người dân đón nhận tích cực, vì trên thực tế, lương của nhiều cán bộ hưu trí (đủ tuổi và đủ năm) rất thấp, cần có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như khám chữa bệnh tuổi già.
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng |
Trước đó, vào ngày 29/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023. Các quy định tại Nghị định được thực hiện từ ngày 1/7/2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 12,5% đến 20,8%.
Từ ngày 1/7/2023, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Hiện cả nước có khảng 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Cùng với việc xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 tăng khoảng 8%.
Điều này giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi. Với mức điều chỉnh đề xuất 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngân sách nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng.