Điều chỉnh cước vận tải theo giá nhiên liệu: Nên để thị trường quyết định
Giá cước vận tải nên để thị trường quyết định |
Chưa kịp giảm cước, giá xăng lại tăng
Từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng Ron 92 được điều chỉnh tăng 6 lần với tổng mức tăng là 5.741đồng/lít, điều chỉnh giảm 7 lần với tổng mức giảm 5.590 đồng/lít. Giá cước vận tải đã có mức giảm từ 2-5% tùy từng thời điểm giá xăng dầu giảm. Thế nhưng, theo đánh giá của xã hội, mức giảm giá cước của các DN vận tải vẫn chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Điện Biên - cho rằng: câu chuyện về giá cước phải được xem xét khách quan, dựa trên nhiều yếu tố chứ không đơn giản như một phép tính xăng giảm thì cước vận tải buộc phải giảm. Bởi theo tính toán, giá xăng phải giảm ít nhất từ 5% trở lên thì mới đủ cơ sở để giảm giá cước. DN chưa được quyền tự chủ trong việc quyết định thay đổi giá, hoạt động này phải kê khai và trải qua nhiều bước thẩm định. Thậm chí, với đợt giảm giá xăng dầu tháng 9, khi DN được quyết định thông qua giảm giá cước thì xăng dầu đã lại tăng giá mới nhưng chúng tôi vẫn thực hiện theo mức giá giảm như đã đăng ký.
Đồng quan điểm này, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải Đất Cảng cho biết, thực tế, rất nhiều DN vận tải không thể tăng giá cước khi giá nhiên liệu tăng do yếu tố cạnh tranh và nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ, giá xăng tại thời điểm hiện tại vẫn cao hơn 2.600 đồng/lít so với thời điểm điều chỉnh giá cước taxi gần nhất của công ty là ngày 5/2/2015 (15.560 đồng/lit). Ngoài ra, sau rất nhiều lần xăng tăng giá, có thời điểm lên đến 20.436 đồng/lít (ngày 20/5/2015), nhưng DN vẫn giữ nguyên giá cước cho đến thời điểm hiện tại. “Khi giá xăng tăng,nhiều DN vận tải không tăng giá cước, vậy khi giá xăng giảm, mọi người cũng nên chia sẻ với DN vận tải chứ không nên có suy nghĩ một chiều” - ông Hải bày tỏ.
Để thị trường quyết định
Theo ông Hải, giá xăng dầu không phải là yếu tố quyết định mà hoạt động kinh doanh của DN phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản lý, khả năng tài chính, mô hình hoạt động. Tùy thuộc từng DN, từng thời điểm, từng quy mô hoạt động mà DN phải tính toán giảm cước khi có cơ hội để vừa kích cầu tiêu dùng, vừa phát triển thị trường, vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân. Thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng từ 15.560 đồng/lít lên 20.430 đồng/lít (tương đương 35%), nhưng nhiều DN vận tải vẫn giữ bình ổn giá cước để “giữ chân” khách hàng, trong đó có Công ty Đất Cảng.
Tạo khung pháp lý đủ rộng, thuận lợi cho DN hoạt động và chính họ sẽ phải cạnh tranh để trụ lại trên thị trường là điều mà các chuyên gia kinh tế chỉ ra, cũng là điều các DN vận tải mong muốn, thay vì quản lý giá theo kiểu hành chính như hiện nay. “Cần phải đơn giản hóa thủ tục thay đổi giá cước và kiểm định đồng hồ để tạo điều kiện tốt nhất cho DN vận tải điều chỉnh được nhanh, tiết kiệm thời gian và chi phí” - ông Hải nhấn mạnh. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, giá vận tải là theo thị trường, một số đơn vị vẫn giữ cước khi giá xăng dầu tăng thì khi giá xăng dầu giảm, không thể bắt họ giảm giá cước ngay được.
Theo các chuyên gia, cước vận tải không thể đưa vào diện bình ổn giá như một số mặt hàng đặc thù khác. Dịch vụ vận tải này cần được khuyến khích phát triển để tăng cạnh tranh, từ đó giá thành sẽ hạ. |