Tạo đột phá từ những chính sách cụ thể, đặc thù |
Dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường vượt mốc 100.000. Đây là lần đầu tiên, nền kinh tế đạt được con số ấn tượng này.
Cụ thể hơn, doanh nghiệp thành lập mới đạt 76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể vẫn tăng cao nhưng lấy tổng số doanh nghiệp khai sinh và quay lại thị trường trừ đi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và khai tử, trung bình mỗi tháng vẫn có 5.600 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa |
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở Việt Nam đang lấy lại năng lượng để bật lên sau đại dịch. Trong thời điểm quan trọng này, những chính sách hỗ trợ kịp thời và đủ lớn đang là lực đẩy mạnh mẽ, giúp quá trình phục hồi của doanh nghiệp trở nên nhanh và hiệu quả hơn.
Kinh nghiệm trong thời gian ứng phó với dịch Covid-19 cho thấy, càng khẩn trương đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào cuộc sống bao nhiêu thì nền kinh tế càng thêm sức chống chịu bấy nhiêu; kinh tế vĩ mô vững vàng và ổn định hơn. Đây cũng chính là mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp bên cạnh các nguồn lực được Nhà nước tập trung hỗ trợ.
Dù vậy, nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ cần kiên định với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng. Triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế" theo Nghị quyết 11/NĐ-CP.
Với ngành Công Thương, giải pháp tập trung triển khai thời gian tới trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là đảm bảo cung - cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như xăng dầu, phân bón, điện, than… với giá cả phù hợp hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp; tổ chức kết nối để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI và tập đoàn đa quốc gia.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics tập trung khai thác tốt thị trường nội địa; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm…