Điểm lại hợp tác Việt Nam - Lào về than đá trong năm 2023
Từ lâu, Việt Nam và Lào đã có mối quan hệ gắn bó mật thiết, dựa vào những điểm tương đồng và sự giao thoa về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng, từng bước ngang tầm quan hệ về chính trị.
Thực tế, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai nước đã đạt khoảng 1,6 tỷ USD, với tổng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%. Trong đó, thương mại khai thác khoáng sản đã trở thành một ngành quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của hai nước.
Cũng trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 359.362 tấn quặng và khoáng sản từ Lào, trị giá 15,7 triệu USD, tương ứng tăng lần lượt 106% về lượng và 143% về trị giá. Trong số đó, than đá được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn và quan trọng trong tương lai.
Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu than đá với khối lượng tăng dần và đạt khoảng 73 triệu tấn vào năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone ngày 23/2/2023 |
Những năm qua, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực than đá đã có bước khởi đầu lạc quan. Song song với đó, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đã có mối liên hệ chặt chẽ trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Cụ thể, vào ngày 23/2/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc với ông Phosay Sayasone, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào đề nghị phía Bộ Công Thương Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện để doanh nghiệp Lào xuất khẩu than đá sang Việt Nam. Trước đề nghị đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt đến từ các tập đoàn lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng kết nối thông tin giữa các tập đoàn/doanh nghiệp 2 nước Việt Nam - Lào để thúc đẩy hợp tác mua bán than.
Điểm sáng trong hợp tác than đá giữa Lào và Việt Nam là Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than được ký bởi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Phosay Sayasone vào ngày 20/7/2023. Theo Biên bản ghi nhớ, cả hai quốc gia sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác và đầu tư trong khai thác, chế biến và xuất khẩu than, với Lào dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm sang Việt Nam, tùy nhu cầu và điều kiện thực tế thị trường.
Cũng theo Biên bản, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động mua bán than giữa doanh nghiệp hai bên, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực trong khai thác và chế biến than. Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa hai nước, mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Phosay Sayasone tại lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực than vào ngày 20/7/2023 |
Tiếp đó, vào ngày 9/12/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy hợp tác mua bán than giữa Việt Nam và Lào với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Lào tại Việt Nam và một số doanh nghiệp năng lượng của Lào. Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc khẩn trương đàm phán để ký hợp đồng nhập khẩu và cung cấp than, cũng như chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất cơ chế đặc thù cho nhập khẩu than từ Lào theo Hiệp định Liên Chính phủ.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đại diện đại sứ quán và các doanh nghiệp than của Lào cần sớm báo cáo, đề xuất với Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan và đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.
Nhận xét về tiềm năng về hợp tác than đá Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Việc nhập khẩu điện, than từ Lào không chỉ giúp phát triển kinh tế giữa hai nước, mà còn thực hiện mục tiêu kép về an ninh quốc phòng và cung ứng năng lượng cho nền kinh tế”.