Đêm giao thừa có ý nghĩa gì?
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước sang ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu kết thúc năm cũ theo lịch âm, bắt đầu từ thời khắc 0 giờ, 0 phút , 0 giây. Nguồn gốc của từ giao thừa có nghĩa là "cũ giao lại, mới tiếp lấy – lúc năm cũ qua, năm mới đến".
Với người Việt Nam, vào đêm 30 Tết, hay còn gọi là đêm trừ tịch, được coi là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ. Người ta quan niệm rằng đây cũng là thời gian để gác lại những chuyện buồn, xui xẻo, điềm xấu của năm vừa qua để hy vọng vào một năm mới có nhiều tiến triển tích cực hơn.
Với ý nghĩa đó, đêm giao thừa có những phong tục truyền thống không thể thiếu. Trước hết là cúng giao thừa. Cúng giao thừa trong dân gian như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.
Lễ cúng được bắt đầu vào đúng khoảnh khắc bước sang năm mới giờ chính Tý (tức 0h ngày mùng 1 Tết). Lễ cúng giao thừa của người Việt Nam gồm có 2 lễ đó là lễ ngoài trời và lễ trong nhà và mỗi lễ sẽ có một mâm cỗ cúng riêng.
Lễ cúng giao thừa ngoài trời – tiễn các vị thần năm cũ đi và đón các vị thần năm mới về. Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời là cỗ mặn và thường sẽ có gà trống tơ luộc, bánh chưng, đèn hoặc nến, vàng mã, hoa tươi. rượu, bộ mũ cánh chuồn,…
Lễ cúng giao thừa trong nhà là lễ cúng gia tiên và mâm cỗ cúng gia tiên cũng sẽ có những món ăn mặn và đồ cúng như khi cúng các vị thần chỉ khác là sẽ không có mũ cánh chuồn. Tuy nhiên cũng có một số gia đình sẽ cúng chay tức là chỉ có hoa quả, nước ngọt,…
Gia chủ làm lễ khấn, sám hối với trời đất tổ tiên, mời các cụ quá cố về nhà cùng ăn tết đồng thời cầu mong sự may mắn, an lành, năm mới làm ăn phát đạt.
Sau đó là xuất hành khỏi nhà theo hướng và thời gian của mỗi chủ nhà với ước mong gặp thuận lợi, may mắn trong công việc và sức khỏe. Tiếp theo là xông đất. Người xông đất là người đến chúc Tết đầu tiên của gia đình có thể là ngẫu nhiên đến hoặc được gia chủ lựa chọn trước sẽ hợp tuổi hợp mệnh.
Ngoài ra, trong đêm giao thừa người Việt luôn thực duy trì phong tục truyền thống mừng tuổi. Theo tục lệ, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ em bằng những đồng tiền mới hoặc cho vào phong bao giấy màu đỏ, cùng với đó là những câu chúc sức khoẻ, thành công, hạnh phúc của mọi người dành cho nhau.
Sau khi cúng giao thừa xong, người dân thường đi lễ chùa cầu xin Thần Phật phù hộ cho gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian, khi đi lễ chùa đầu năm, người dân sẽ ra sân vườn chùa bẻ một cành lá gọi là hái lộc với ý nghĩa mang lộc của Thần Phật về nhà. Cành lộc này sẽ được trưng trước bàn thờ gia tiên cho đến khi tàn khô.
Mua muối cũng là phong tục được duy trì cho đến nay trong đêm giao thừa. Muối không chỉ có ý nghĩa xua đuổi tà ma, điềm rủi mà chúng còn mang ý nghĩa thể hiện sự gắn kết tình cảm quan hệ gia đình, con cái khỏe mạnh, thuận hòa. Do vậy, sau đêm giao thừa người ta thường mua những bịch muối nhỏ được gói trong bao giấy màu vàng, màu đỏ ở các khu phố, khu chợ.