Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 7/7/2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định 89/2015/NĐ-CP ban hành ngày 7/10/2015, Nghị định 172/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67). Nghị định 67 bao gồm nhiều nhóm chính sách phát triển thủy sản mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.
Tính đến 28/2/2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu với số tiền cam kết cho vay khoảng 9.139 tỷ đồng. Hiện đã có 557 tàu cá đóng mới và 104 tàu nâng cấp đi vào hoạt động tại các tỉnh trong đó có 188 tàu vỏ thép, 22 tàu composite và 347 tàu vỏ gỗ và nâng cấp 105 tàu. Các tàu này chủ yếu làm nghề lưới vây, rê, chụp. Số tàu cá đóng mới đi vào hoạt động sản xuất đều đạt hiệu quả cao, an toàn. Tính đến ngày 28/2/2017, các chủ tàu đã trả nợ gốc cho ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tổng dư nợ còn 7.963 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại đã thẩm định, ký hợp đồng với 250 chủ tàu và thực hiện giải ngân với tổng số tiền gần 604 tỷ đồng tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận. Hiện có 85 khách hàng còn dư nợ với số tiền gần 23 tỷ đồng.
Các địa phương cũng đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên tàu cá vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho 2.347 thuyền viên với kinh phí là 9.409 triệu đồng. Hỗ trợ được 3.740 chuyến biển, tương đương số tiền là 155,54 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên…
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi bổ sung. Cụ thể, về chính sách đầu tư, việc cân đối, bố trí kinh phí đối với các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành thủy sản chưa được bố trí theo đúng quy định tại Điều 3 Nghị định 67 (bố trí kinh phí hàng năm giai đoạn 2015-2020 với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng gấp 2 lần so với mức bình quân giai đoạn 2011-2014), cụ thể, ngân sách năm 2015 tăng 30,5% so với 2014; năm 2016 giảm 22,5% so với năm 2015. Do đó đã ảnh hưởng tiến độ và khả năng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đặc biệt là nơi neo đậu đối với các tàu cá có kích thước lớn, tàu vỏ thép…
Bên cạnh đó, Nghị định 67 quy định vốn đối ứng của địa phương nhưng không đạt, đầu tư không đồng bộ, các cảng cá không có mái che và hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất, chưa có hạng mục đầu tư đối với nạo vét luồng lạch, đặt phao tiêu biển để tàu cập cảng, tránh trú bão ở các cảng cá loại I và khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng. Nguồn vốn để thực hiện đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản còn dàn trải, chưa tập trung để đáp ứng được trực tiếp sản xuất.
Về chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu, Nghị định 67 chưa có quy định đối với ngư dân đang đóng hoặc mới đóng xong nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không tiếp tục thực hiện dự án đóng tàu nữa muốn chuyển nhượng cho chủ tàu khác.
Trường hợp ngư dân đề nghị được vay vốn bổ sung vượt dự toán ban đầu do có sự điều chỉnh thiết kế hoặc do khối lượng vật tư thực tế vượt dự toán chưa được thực hiện. Trường hợp tàu đóng xong đi vào hoạt động bị bắt, bị xử phạt, một số trường hợp bị tịch thu tàu nhưng chưa có phương án xử lý thu hồi vốn để bảo toàn vốn vay cho ngân hàng thương mại…
Vì vậy, cần thiết ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 cho phù hợp với quy định của pháp luật.