Đề xuất lao động nữ được nghỉ hưu sớm so với lộ trình tuổi quy định
Chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ bằng những việc làm thiết thực
Tại Đại hội, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ: Ngành Dệt may Việt Nam hiện là ngành đông lao động nữ, chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành. Thời gian qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tham luận tại Đại hội |
Để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, Công đoàn Dệt May Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, kiến thức liên quan đến nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên mạng xã hội và hình ảnh trực quan sinh động, dễ gần, dễ hiểu.
Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ như: Góp ý bổ sung sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội...; xây dựng và triển khai Chương trình “Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, vì sự tiến bộ của lao động nữ”; ký kết Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành với nhiều nội dung có lợi cho lao động nữ như: Tặng quà các ngày của chị em; khuyến khích lắp đặt phòng vắt trữ sữa, hỗ trợ thêm cho lao động nữ ngoài các khoản theo quy định của Bộ luật Lao động...
Tại cấp cơ sở, Thỏa ước Lao động tập thể của nhiều đơn vị quy định các điều khoản cao hơn luật dành cho lao động nữ như: Tầm soát ung thư, khám sức khỏe sinh sản, tổ chức chuyền may riêng với ghế ngồi phù hợp và suất ăn dinh dưỡng cho lao động nữ mang thai, tặng quà cho lao động nữ sinh con trong kế hoạch, hỗ trợ chi phí gửi trẻ, hỗ trợ chi phí tránh thai cho lao động nữ khi đã sinh đủ 2 con...; thường xuyên nắm bắt hoàn cảnh, đồng hành, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp chị em giải quyết khó khăn trong cuộc sống.
Số liệu của Công đoàn Dệt May Việt Nam cho thấy, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn hệ thống đã trích gần 67,5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 594 nghìn lượt lao động nữ; có 232 nghìn lượt lao động nữ được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề; gần 1.500 nữ công nhân viên chức lao động được đề bạt, thăng tiến trong công việc.
Các phong trào thi đua trong lao động nữ, đặc biệt là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được đổi mới cả về nội dung và hình thức. 5 năm qua, có trên 41.700 lượt nữ công nhân viên chức lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp.
Đặc biệt, Công đoàn Dệt May Việt Nam là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong hệ thống công đoàn toàn quốc tính đến thời điểm này có giải thưởng riêng cho lao động nữ mang tên bà tổ nghề May Nguyễn Thị Sen, dành tặng những lao động nữ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành. Giải thưởng đã tạo hiệu ứng tích cực, sôi nổi trong thi đua đối với nữ. Qua 5 lần xét thưởng, đã có 50 lao động nữ tiêu biểu được tôn vinh.
Đồng hành cùng lao động nữ xây dựng gia đình hạnh phúc
Không chỉ chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, bà Phạm Thị Thanh Tâm còn cho biết, Công đoàn Dệt May Việt Nam có nhiều mô hình mới, sáng tạo trong đồng hành cùng lao động nữ tổ chức cuộc sống gia đình, giữ lửa hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cụ thể là các hoạt động:
Xét thưởng danh hiệu Gia đình Dệt May tiêu biểu cấp ngành dành cho gia đình người lao động xuất sắc trong lao động sản xuất và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Nhiệm kỳ qua đã có 144 gia đình được khen thưởng.
Tạo các diễn đàn, sân chơi sôi nổi, bổ ích, vừa làm sinh động thêm đời sống tinh thần của người lao động, mang tính giáo dục truyền thống, tôn vinh giá trị gia đình, vừa cập nhật những xu hướng mới, có tính lan tỏa cao như: Chương trình Truyền thanh Công đoàn với nhiều chuyên đề về nữ, gia đình và trẻ em; tổ chức các cuộc thi trên mạng xã hội Tiktok: Cuộc thi “Bếp nhà Dệt May” được người lao động yêu thích, đạt gần 1 triệu lượt xem, 108.000 lượt tương tác trong 1 tháng diễn ra cuộc thi; thi hát ru “Lời ru bên cánh võng” tạo được xúc cảm sâu sắc, lưu giữ thể loại âm nhạc truyền thống, đồng thời góp phần nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, trách nhiệm, sự yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.
Hàng năm, Công đoàn Dệt may còn tổ chức Chương trình “Bay cao ước mơ” cho con người lao động có thành tích xuất sắc trong học tập với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Báo công dâng Bác, vui chơi tập thể, tìm hiểu về ngành nghề của bố mẹ, tìm kiếm tài năng... 5 năm qua, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã trích 2,7 tỷ đồng khen thưởng cho trên 4.800 học sinh giỏi cấp ngành và trao học bổng “Đồng hành cùng em đến trường” động viên con người lao động vượt khó.
Đề xuất của Công đoàn Dệt May Việt Nam gửi đến Đại hội
Nhằm nâng cao quyền lợi cũng như đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tại Đại hội, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam đã có một số kiến nghị với Chính phủ, Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành.
Cụ thể: Công đoàn Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế, để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuyển dụng lao động nữ, chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.
Quan tâm cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để người lao động, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp lao động nữ nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững.
Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ ngành có liên quan: Nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ; phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Đề nghị Tổng Liên đoàn: Nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ công nhân viên chức lao động xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con. Tham gia xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, việc làm của lao động nữ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động có hoàn cảnh đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam bày tỏ tin tưởng trước Đại hội, bằng các chương trình, hành động của mình, công đoàn tiếp tục là chỗ dựa tin cậy, nguồn động viên để chị em phát huy trí tuệ, bản lĩnh, khẳng định bản thân trong công việc, cuộc sống; nuôi dưỡng tình yêu thương, sự gắn kết, cùng những giá trị tốt đẹp trong gia đình và xã hội để vun đắp thêm cho những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; góp phần thực hiện ngày càng hiệu quả hoạt động nữ công trong nữ công nhân viên chức lao động.