Đề xuất giảm giờ làm: Ai hiểu nỗi lo của doanh nghiệp?
Đại diện cộng đồng DN ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - thừa nhận, "choáng" với các đề xuất này. Theo ông Cẩm, việc giảm giờ làm chỉ đúng với các nước đã phát triển, không phù hợp với Việt Nam ở hiện tại. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện mới chỉ có Indonesia và Singapore là có giờ làm thêm thấp hơn so với các nước khác trong khu vực bởi đây là những nước đã mạnh, năng suất lao động đạt cao.
Phương án điều chỉnh giờ làm việc được nhiều doanh nghiệp dệt may quan tâm |
Còn với đề xuất tính lũy tiến tiền lương làm thêm theo thời gian, đại diện Vitas cho rằng, sẽ đẩy chi phí nhân công của DN lên cao khiến giá thành sản phẩm tăng vọt. Cách tính này sẽ khiến năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của DN trong nước giảm mạnh, nhất là với DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, việc chi trả lương lũy tiến chỉ thực hiện khi DN cần sản xuất gấp và trả theo sản phẩm chứ không phải trả lũy tiến theo thời gian, bởi DN không kiểm soát được thời gian làm thêm của người lao động có thực chất hay không.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Xuân Dương - Đại diện Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam - phân tích, trong hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam vẫn lấy nhân công giá rẻ là lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu đưa giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần, đồng nghĩa với việc giảm 9% thời lượng làm việc trong 1 tuần. Nếu quy ra giá trị, chỉ tính riêng ngành da giày đã mất gần 2 tỷ USD mỗi năm. Tương ứng với đó, người lao động cũng bị mất 9% thu nhập.
Nguyên do, ngành da giày làm theo sản phẩm, càng làm nhiều thì thu nhập càng cao, nếu giảm thời gian làm việc thì sản phẩm giảm và thu nhập theo đó cũng giảm. Do đó, ông Dương cho rằng, việc giữ nguyên số giờ làm cũng như cách tính tiền làm thêm như cũ là hợp lý.
Tại hội thảo "Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ luật lao động từ cộng đồng DN" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội - đặt câu hỏi: Luật Lao động sửa đổi DN sẽ được lợi ích gì? Nếu đứng ở góc độ DN, những đề xuất đưa ra tại dự thảo Luật Lao động dường như đang tăng thêm gánh nặng cho DN. Cùng với đó là lương tối thiểu tăng liên tục, bảo hiểm tăng theo lương, các khoản phúc lợi, chi phí công đoàn tăng, trong khi năng suất lao động không tăng. Mặt khác, DN trong nước sản xuất gia công là chủ yếu nếu giảm giờ làm sẽ gây khó cho DN, thậm chí sẽ đi dần vào thu hẹp sản xuất.
"Mục tiêu lâu dài là tăng lương, giảm giờ làm, tuy nhiên trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam là chưa phù hợp. Do đó, giờ làm việc trung bình vẫn nên giữ ở mức 48 giờ/tuần. Còn giảm giờ làm xuống 44 giờ hoặc 40 giờ là quyền của DN" - ông Phạm Minh Huân nêu quan điểm.
Đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động, Hiệp hội Dệt may cũng như một số đại diện hiệp hội ngành hàng đồng ý phương án mở rộng giờ làm thêm lên 450 - 500 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, kiến nghị không quy định mức trần làm thêm giờ theo tháng mà để DN thực hiện linh hoạt theo phương án sản xuất, kinh doanh của DN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn, tạo sự đồng thuận của xã hội với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật Lao động và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay. |