Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 15 năm để hưởng lương hưu: Còn nhiều băn khoăn
Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hộingắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần vẫn có khả năng xảy ra |
Đây cũng là một trong những lý do cơ bản khiến thời gian qua một tỷ lệ không nhỏ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. “Điều này gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu”, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Đào Ngọc Dung nhìn nhận.
Để tránh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, trước tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân, người lao động. Đồng thời ông cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, dự kiến thời gian đóng bảo hiểm xã hội rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình của số đông người lao động. Chị Hoàng Thị Nhung - công nhân lao động tại khu công nghiệp Bắc Ninh - chia sẻ: “Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không giảm thời gian hưởng lương hưu thì tình trạng người lao động rút bảo hiểm một lần vẫn có khả năng tiếp tục xảy ra”.
Đồng tình với ý kiến của chị Nhung, chị Nguyễn Thị Thiết cũng như nhiều công nhân may tại Nam Định cho rằng, điểm quan trọng nhất là hạ tuổi được hưởng lương hưu thì lại không đề cập. Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không giảm độ tuổi hưởng lương thì nhiều người lao động đóng đủ thời gian rồi vẫn còn phải chờ 15 - 20 nữa mới được nhận lương hưu, sẽ dẫn đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần là điều khó tránh khỏi.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025, cũng được nhiều công nhân lao động chia sẻ là quá muộn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là ý kiến chính đáng của người lao động mà Bộ LĐTB&XH cần lắng nghe, xem xét kỹ khi chủ trì, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, cần tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội; đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, bảo hiểm xã hội...
Mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và đến năm 2030 con số này là 60%. |