Đề xuất cấm sóng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật; xe máy đẩy ô tô bon bon trên đường phố
Đề xuất cấm sóng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, hoặc không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
Cụ thể, đưa nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm quy tắc ứng xử vào diện xem xét lập danh sách "cảnh báo", gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội.
Đề xuất này dành được nhiều sự quan tâm của dư luận bởi thời gian qua, có nhiều nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng nhưng chưa có chế tài để xử phạt thích đáng.
Cát Tường lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật. Ảnh: TPO |
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang trao đổi với Tiền Phong, việc lập danh sách đen cảnh báo đối với nghệ sĩ góp phần làm cho môi trường nghệ thuật được "sạch hóa". Việc này góp phần hạn chế những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thông qua con đường livestream bán hàng của các diễn viên, nghệ sĩ, KOLs đến được với tay người dùng trong xã hội.
Từ đó tạo ra thị trường cạnh tranh công bằng đối với những sản phẩm chất lượng, đảm bảo yêu cầu đo lường của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, với việc lập danh sách đen, công chúng sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá vai trò xã hội của người nghệ sĩ, kiên quyết loại bỏ hình ảnh “người nghệ sĩ xấu xí" không phù hợp ra khỏi "thế giới của người hâm mộ".
Song song với việc lập danh sách đen, cơ quan chức năng cần nâng cấp độ chế tài xử lý. Những nghệ sĩ sau khi bị đưa vào danh sách đen vẫn cố tình tái diễn cần thực hiện ngay biện pháp ‘phong sát’ dựa trên cơ sở pháp lý cho phép.
Thậm chí là xử lý về mặt pháp luật hình sự nếu đủ cơ sở, chứng lý. Có như vậy thì tình trạng ‘thương mại hóa hình ảnh nghệ sĩ’ mới được kiểm soát, chấm dứt tình trạng ‘trục lợi trên niềm tin" của công chúng như những gì đã diễn ra suốt thời gian qua”, nhà nghiên cứu văn hóa nói.
Nhân câu chuyện đưa nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vào danh sách đen, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đề xuất các cơ quan quản lý văn hóa, đặc biệt là các đơn vị nơi quản lý trực tiếp diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, khắt khe đối với hành vi quảng cáo sai sự thật gây nên hậu quả cho xã hội.
Mặt khác, công chúng cũng cần phát huy vai trò của một thẩm phán, kiên quyết quay lưng với những nghệ sĩ bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân để kinh doanh, trục lợi.
Sóc Trăng: Xe máy đẩy ô tô bon bon trên đường phố
Sáng ngày 10/10, nhiều người ở Sóc Trăng ngỡ ngàng khi thấy một người đàn ông điều khiển xe máy đẩy một chiếc ô tô loại 4 chỗ ngồi chạy bon bon trên đường phố.
Hai xe này đang đi trên đường Trần Hưng Đạo, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Có thể do ô tô bị chết máy nên người chạy xe máy phải đẩy bằng chân.
Xe máy đẩy ô tô trên đường (Ảnh: K.D) |
Không ít người lo ngại khi nhìn thấy hình ảnh này và cho rằng rất dễ gây tai nạn cho người và các phương tiện tham gia giao thông khác.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Sóc Trăng cho biết: “Hành vi trên là vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.
Cụ thể, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp, xe thô sơ khác không được sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác.
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác... sẽ bị xử phạt".
Sau khi nhận thông tin, Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Sóc Trăng cho biết sẽ kiểm tra làm rõ để xử lý theo quy định.
Gia Lai: Giải cứu 4 người mắc kẹt trong vùng nước lũ
Chiều tối 10/10, thông tin từ UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết 4 người bị nước lũ cô lập tại làng Sâm (xã Ia Piơr) đã được lực lượng chức năng huyện Chư Prông (Gia Lai) giải cứu mắc kẹt trong vùng nước lũ.
Thông tin ban đầu cho biết, tối ngày 9/10, tại khu vực làng Sâm có mưa to, nước lũ dâng cao khiến nơi đây bị cô lập.
Do mưa lớn khiến nhiều đoạn đường tại huyện Chư Prông bị chia cắt. Ảnh: CTV |
Lúc này, có 4 người gồm các ông Trần Văn Phong (SN 1981), Phan Đình Cường (SN 1976), Lê Minh Khiêm (SN 1991) và Trần Thị Diễm (SN 1984) cùng trú tỉnh Bình Định không kịp ra ngoài và bị mắc kẹt tại làng Sâm. Được biết, cả 4 người này từ tỉnh Bình Định lên làng Sâm để thuê đất làm nương rẫy.
Sau khi nhận được tin báo, UBND huyện Chư Prông đã khẩn trương cử lực lượng cứu hộ cứu nạn xuống hiện trường, triển khai công tác giải cứu. Đến 0h30 ngày 10/10, những người trên đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi an toàn.