Đề nghị làm rõ quy định về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 5, Điều 6), một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát, phân loại, phân nhóm cho phù hợp, cụ thể, khoa học, khả thi, gắn với chế độ pháp lý của từng nhóm, loại.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp |
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Theo đó, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định tại 2 điều: Điều 5 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ như dự thảo luật trình Quốc hội.
Tiếp đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ và rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về kinh phí xây dựng, bồi thường, hỗ trợ khi chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; chỉ quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về trách nhiệm bồi thường và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho sửa khoản 2, bổ sung tại khoản 4, Điều 12 quy định trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất để thiết lập khu quân sự ở vị trí mới phù hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được thường xuyên, liên tục không bị gián đoạn.
Đồng thời, quy định cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư thực hiện dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình quốc phòng, thiết lập khu quân sự ở vị trí mới, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Trường hợp phá dỡ công trình quốc phòng được thực hiện khi công trình đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc công trình quốc phòng buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự.
Thẩm quyền phá dỡ công trình quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có công trình quốc phòng bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đã có thông tin về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự; vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự (Điều 18).
Theo đó, có ý kiến cho rằng, quy định chỉ đối với người dân thường trú trong phạm vi bảo vệ là không phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật về quyền tự do đi lại của công dân; xem xét mở rộng đến các hoạt động hợp pháp khác được thực hiện trong khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhóm đặc biệt.
Ông Lê Tấn Tới cho hay, quy định này chỉ áp dụng đối với khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm đặc biệt. Đây là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc nhóm đặc biệt (chiếm tỷ lệ rất nhỏ) mà không áp dụng đối với tất cả công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc các loại, nhóm khác. Do đó, phạm vi tác động đến quyền, lợi ích của người dân, tổ chức là không nhiều và không mang tính phổ biến, nhất là các hoạt động đi lại.