CôngThương - Thưa Thứ trưởng, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Công Thương đã có những hành động cụ thể ra sao?
Ông Trần Tuấn Anh Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hành động cụ thể, thiết thực.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tổ chức quán triệt, học tập nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kế hoạch hành động của ngành giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương để cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên hiểu được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước đó, ngày 18/4/2014, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 3468/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011- 2020. Mục tiêu của Quy hoạch là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo các cấp trình độ trong lĩnh vực công nghiệp từ 78% năm 2010 lên 82% năm 2015 và 92% năm 2020; lĩnh vực thương mại tăng từ 67% năm 2010 lên 80% năm 2015 và 88% năm 2020. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 44/NQ-CP.
Hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương hiện nay có 49 trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Trong năm học 2013- 2014, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực các cấp trình độ với quy mô, cơ cấu ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Việt Nam và của ngành Công Thương giai đoạn 2011- 2020; đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, có khả năng thích ứng với kinh tế thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Bộ Công Thương đang tổ chức sắp xếp lại các trường thuộc Bộ, theo đó, sẽ xây dựng các mô hình: Trường đại học trọng điểm; trường cao đẳng đào tạo kỹ sư ứng dụng- mô hình KOSEN của Nhật Bản; trường dạy nghề chất lượng cao cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; liên kết đào tạo với nước ngoài… Một ví dụ điển hình: Trường Cao đẳng nghề Than- khoáng sản Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại 3 trường đào tạo nghề của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn từng mô hình đào tạo?
Hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương đang đào tạo trên 400 ngành, nghề. Các ngành, nghề thu hút được nhiều người học ở các trường là: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ ôtô, cơ khí luyện kim, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, du lịch… Đây cũng là những ngành nghề có tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm cao. Bộ Công Thương cũng đã và đang tổ chức sắp xếp lại các trường phù hợp với nhóm các ngành, nghề đào tạo, đây được xem là bước đổi mới căn bản trong việc thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương.
Theo đó, đối với mô hình đại học trọng điểm, Bộ Công Thương sẽ chọn một trường đại học có năng lực đào tạo, là nơi tập trung sức mạnh trí tuệ và cơ sở vật chất, làm “đầu tàu” thực hiện những mục tiêu của Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011- 2020, là trường hàng đầu của Bộ về cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và có khả năng thu hút mọi nguồn lực xã hội để phát triển.
Bộ Công Thương đang tổ chức sắp xếp lại các trường thuộc Bộ, theo đó, sẽ xây dựng các mô hình: Trường đại học trọng điểm; trường cao đẳng đào tạo kỹ sư ứng dụng- mô hình KOSEN của Nhật Bản; trường dạy nghề chất lượng cao cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; liên kết đào tạo với nước ngoài… |
Mô hình trường cao đẳng đào tạo kỹ sư ứng dụng (mô hình KOSEN- Nhật Bản) đang được quan tâm và triển khai thí điểm tại Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh và dự kiến nhân rộng đến 10 trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương. Thành công của mô hình này đã được minh chứng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mô hình trường dạy nghề chất lượng cao cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đào tạo theo năng lực thực hiện (tiêu chí, tiêu chuẩn) để hình thành các kỹ năng theo vị trí công việc thay cho cách dạy truyền thống từng môn học trước đây. Mô hình liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, KCN, KCX nhằm phối hợp với các doanh nghiệp trong tuyển dụng và thực tập; hợp tác với doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ, đào tạo, đầu tư các phòng thí nghiệm, thực hành trong sản xuất…
Bên cạnh đó, mô hình ứng dụng tin học trong đào tạo thông qua hỗ trợ các trường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đào tạo, quản lý học sinh sinh viên, quản lý giáo viên, quản lý thông tin trong trường được thực hiện theo cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà trường- doanh nghiệp- Bộ Công Thương.
Mô hình liên kết đào tạo với nước ngoài và liên kết đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành, đào tạo kỹ thuật bằng ngoài ngữ, là mục tiêu quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu đó, thưa Thứ trưởng?
Trước hết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục thông qua các hoạt động: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục; tích cực triển khai thực hiện Đề án tổ chức, sắp xếp mạng lưới các trường của Bộ Công Thương; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương...
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các trường đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế… Đây được coi là những giải pháp then chốt để công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Công Thương đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!