CôngThương - Ngày càng có nhiều công ty lớn của nước ngoài nhảy vào ngành giấy với công nghệ sản xuất hiện đại, để cạnh tranh tồn tại, các doanh nghiệp trong nước không thể không nhanh chóng tăng cường đầu tư vào dây chuyền sản xuất để tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trước khó khăn của nền kinh tế, ngành giấy cũng đang vấp phải sự khủng hoảng khi sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành bị phá sản, ngừng hoạt động… Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, ngành giấy hiện đang có những bước phát triển khá và còn nhiều tiềm năng.
Mặc dù khó khăn, nhưng trong 5 tháng đầu năm 2013, toàn ngành vẫn sản xuất được trên 860.000 tấn giấy, tăng 4,68% so với cùng kỳ năm 2012, riêng giấy sản xuất bao bì tăng tới 8,17%. Xuất khẩu gần 70.000 tấn, tăng 15,38% so với cùng kỳ.
Dự báo năm 2013, nhu cầu tiêu dùng giấy các loại của cả nước đạt trên 3 triệu tấn. Sản lượng giấy trong nước dự kiến đạt 2,18 triệu tấn các loại chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nên ngành giấy vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn giấy, trị giá 1.350 triệu USD.
Nhập khẩu giấy đang có xu hướng tăng trong những tháng qua. Theo số liệu thống kê, nhập khẩu giấy các loại trong tháng 6/2013 ước đạt 130 nghìn tấn, trị giá khoảng 114 triệu USD. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, nhập khẩu giấy là 691 nghìn tấn với tổng giá trị ước tính 640 triệu USD (đạt 113,8% so với cùng kỳ năm 2012). Các nước chính cung cấp sản phẩm giấy cho thị trường Việt Nam là Indonesia, Đài Loan, Singapore...
Ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho rằng, những năm gần đây, năng lực sản xuất bột giấy của các DN Việt Nam có bước phát triển khá. Nhiều DN đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất bột giấy hiện đại như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Giấy An Hòa... Trong năm 2012, sản lượng bột giấy cả nước đạt tới 484.300 tấn, cao hơn 30% so với năm 2011 nhưng vẫn chỉ đáp ứng gần một nửa nhu cầu cho ngành sản xuất giấy.
Các DN ngành giấy hiện đang thiếu nguyên liệu bột giấy và phải nhập bột giấy với giá cao. Giá nhập khẩu bột giấy bình quân lên tới 900 – 1.000 USD/tấn. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất bột giấy là dăm gỗ thì nước ta lại đứng đầu thế giới về xuất khẩu trong 2 năm qua. Riêng trong năm 2012, lượng dăm xuất khẩu đạt 6 triệu tấn, tương đương 2,7 triệu tấn bột. Giá xuất khẩu dăm gỗ chỉ khoảng 110 – 120 USD/tấn. Đây thực sự là một nghịch lý của ngành giấy Việt Nam.
Nhận ra được điều này nên nhiều công ty nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư vào ngành giấy Việt Nam, đặc biệt là sản xuất bột. Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có một số nhà đầu tư nước ngoài chính thức triển khai dự án về sản xuất bột giấy tại Việt Nam.
Điển hình là Công ty sản xuất giấy bao bì lớn nhất thế giới Nine Dragons Paper (Holdings) vừa công bố sẽ lắp đặt một máy xeo mới tại Công ty TNHH xưởng giấy Chánh Dương với công suất 350.000 tấn/năm; dự án sản xuất giấy của Lee & Man Paper Manufacturing Ltd đang được triển khai tại Hậu Giang…
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, với việc ngày càng có nhiều công ty lớn của nước ngoài nhảy vào ngành giấy với công nghệ sản xuất hiện đại, để cạnh tranh tồn tại, các DN trong nước không thể không nhanh chóng tăng cường đầu tư vào dây chuyền sản xuất để tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.