Thứ năm 14/11/2024 16:33

Đầu tư năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn: 7 năm trúng thầu 9.300 tỷ đồng

Đầu tư năng lượng-Xây dựng-Thương mạị Hoàng Sơn và Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 được chọn là nhà thầu thực hiện thi công xây dựng đoạn Kim Bôi – Hòa Bình.

Liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn - Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 vừa được chọn là nhà thầu thực hiện gói thầu Thi công xây dựng đoạn Kim Bôi – Hòa Bình từ Km0+00 - Km31+462 trị giá 1.666 tỷ đồng.

Công ty Hoàng Sơn - nhà thầu 'quen' của Hòa Bình

Ông Bùi Ngọc Tâm - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1722/QĐ-BQL về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Thi công xây dựng đoạn Kim Bôi – Hòa Bình từ Km0+00 - Km31+462, thuộc dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu).

Từ năm 2015 đến nay, Công ty Hoàng Sơn đã tham gia đấu thầu 36 gói thầu thi công xây dựng, công trình. Đặc biệt, doanh nghiệp có tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối (100%) với 35 lần giành chiến thắng

Theo đó, Liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng – Xây dựng – Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) và Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 (TSC 99) đã trúng thầu với giá 1.666 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 1 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,07%.

Theo quyết định trên, thời gian thực hiện hợp đồng là 60 tháng; loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Gói thầu sử dụng vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.

Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông mang tính trọng điểm của Hòa Bình, có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư đoạn tuyến từ Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình tại TP. Hòa Bình với tổng chiều dài 32 km, tiêu chuẩn đường cấp III - đồng bằng với diện tích chiều rộng nền đường 12m.

Thời gian qua, UBND huyện Kim Bôi đã gấp rút chỉ đạo triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án. Bởi tầm quan trọng của dự án, các thông tin xung quanh công tác thi công xây dựng, tổ chức đấu thầu được dư luận hết sức quan tâm.

Tìm hiểu về liên danh nhà thầu trên, được biết Công ty Hoàng Sơn là một trong số doanh nghiệp xây dựng có thâm niên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thành lập tháng 5/2007 với hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực thi công xây dựng, Công ty Hoàng Sơn không gặp quá nhiều khó khăn trong vấn đề thuyết phục các chủ đầu tư/đơn vị mời thầu, chấm thầu ở những gói thầu lớn, nhỏ tại quê nhà.

Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ năm 2015 đến nay, Công ty Hoàng Sơn đã tham gia đấu thầu 36 gói thầu thi công xây dựng, công trình. Đặc biệt, doanh nghiệp có tỷ lệ trúng thầu gần như tuyệt đối (100%) với 35 lần giành chiến thắng.

Lần duy nhất Công ty Hoàng Sơn thua thầu tại Gói thầu số 4 Thi công xây dựng công trình và cung cấp lắp đặt thiết bị xử lý nước, do Ban quản lý dự án xây dựng và tu bổ các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình mời thầu vào tháng 6/2021.

Xét về tổng giá trị trúng thầu trong 7 năm qua của Công ty Hoàng Sơn trong vai trò liên danh và độc lập, con số lên tới 9.300 tỷ đồng, bình quân mỗi gói thầu có giá trên 260 tỷ đồng.

Trong lịch sử trúng thầu của mình, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình – chủ đầu tư/trực tiếp mời thầu của gói thầu Thi công xây dựng đoạn Kim Bôi – Hòa Bình từ Km0+00 - Km31+462 đề cập phía trên – vốn là đối tác “quen mặt” nhất của Công ty Hoàng Sơn.

Chẳng hạn cuối năm 2019, Công ty Hoàng Sơn trúng Gói thầu Thi công xây dựng thuộc dự án Đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, TP. Hòa Bình sau khi bỏ giá 185,8 tỷ đồng, trong khi giá gói thầu là 186,7 tỷ đồng. Kết quả là, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình chỉ tiết kiệm vỏn vẹn 1 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh trong gói thầu này.

Tương tự, Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc dự án Đường nối từ đường QH8 với đường An Dương Vương (TP. Hòa Bình) tổ chức đấu thầu hồi tháng 6/2022 cũng có nhiều nét tương đồng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình một lần nữa lựa chọn Công ty Hoàng Sơn là nhà thầu thực hiện với giá trúng thầu 164,8 tỷ đồng, tiếp tục giảm 1 tỷ đồng cho ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dù rằng việc lựa chọn nhà thầu không chỉ dựa vào giá dự thầu mà quan trọng hơn là phải lựa chọn nhà thầu đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của gói thầu, nhưng những trường hợp tỷ lệ giảm giá quá thấp cũng đặt ra mối lo về sự minh bạch, tính cạnh tranh và sự hiệu quả trong công tác đấu thầu.

Lộ diện giới chủ kín tiếng

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua, ông Nguyễn Nam Chung (SN 1972) là người giữ cương vị Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Hoàng Sơn. Nhưng không nhiều người biết rằng, thực chất nhân tố đứng sau sự lớn mạnh của doanh nghiệp lừng danh xứ Mường là ông Nguyễn Cao Sơn (SN 1969), nhà sáng lập và điều hành suốt nhiều năm, giữ trong tay lượng cổ phần chi phối trên 80%.

Ông Nguyễn Nam Chung (trái), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn.
Trong một báo cáo thể hiện, đồng hành bên cạnh ông Sơn, ông Chung còn có ông Phạm Xuân Huy, ông Phạm Văn Huyên, ông Phạm Anh Tuấn và ông Trần Khấc Định – những cổ đông khác của Công ty Hoàng Sơn. Cần nói thêm rằng, ông Sơn vốn là doanh nhân có vai vế trên thương trường, xuất thân từ ngành giáo dục. Theo những nhà quan sát thị trường lâu năm, thương hiệu Hoàng Sơn đã gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân này.

Về năng lực tài chính của Công ty Hoàng Sơn, tài liệu của phóng viên cho thấy ba năm gần đây (2019-2021), doanh nghiệp liên tục có các bước tăng vốn điều lệ với mục đích mở rộng quy mô hoạt động, và tạo tiền đề tham dự các gói thầu giá trị “khủng” như đã biết. Trong ba năm đó, doanh nghiệp tăng vốn từ 270 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng, bất chấp đây là khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Không chỉ vậy, Công ty Hoàng Sơn cũng tích cực huy động thêm vốn vay để bổ sung nguồn lực kinh doanh. Năm 2019, doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả 1.261 tỷ đồng, gấp 4,7 lần vốn chủ sở hữu (270 tỷ đồng). Trong đó dư nợ vay từ các tổ chức tín dụng chiếm 654 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn, cao hơn 2,4 lần vốn tự có.

Đến năm 2021, khối nợ phải trả vẫn neo ở 1.171 tỷ đồng, song tổng nợ vay có xu hướng giảm xuống 490 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Hoàng Sơn đã bớt lệ thuộc vào vốn vay, đặc biệt sau khi củng cố bộ đệm vốn lên 599 tỷ đồng.

Vẫn theo Báo cáo tài chính riêng lẻ những năm 2019-2021, Công ty Hoàng Sơn tạo ra doanh thu thuần lần lượt 488 tỷ đồng, 729 tỷ đồng và 646 tỷ đồng, tương đương tổng doanh thu 1.865 tỷ đồng, chia trung bình trên 620 tỷ đồng/năm. Khấu trừ các chi phí và thuế, lợi nhuận ròng dao động trong khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.

Lưu ý các số liệu trên chỉ tính riêng công ty mẹ. Công ty Hoàng Sơn cũng thành lập các đơn vị thành viên khác với tổng giá trị vốn góp gần 530 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021.

Điển hình như Công ty TNHH Thương mại Tuổi Trẻ, chủ sở hữu khách sạn Grand Hotel - Diamond Palace (Hòa Bình); Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định, pháp nhân dự án xây dựng mở rộng đường Quốc lộ 1 đoạn từ Km 1212 + 400 đến Km 1265 thuộc tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên theo hình thức hợp đồng BOT...

Không gói gọn trong mảng xây dựng, bất động sản, BOT, mảng năng lượng của Công ty Hoàng Sơn cũng gây nhiều tiếng vang sau khi mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án quy mô nghìn tỷ, có thể kể đến cụm dự án thủy điện Suối Nhạp - Đồng Chum; thủy điện Suối Nhạp A; nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (tổng mức đầu tư 1.363 tỷ đồng); nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (tổng mức đầu tư 1.407 tỷ đồng)...

Về ông Nguyễn Nam Chung, ngoài việc đứng tên tại Công ty Hoàng Sơn, ông cũng đang trực tiếp “chèo lái” Công ty CP Đầu tư Bất động sản STC Golden Land – doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, trong đó ông Chung góp 498 tỷ đồng, đổi lại cho 41,5% cổ phần.

STC Golden Land từng tốn nhiều “giấy mực” của báo chí vào cuối năm 2020. Lúc này, STC Golden Land dù mới 1 năm tuổi đã bất ngờ vượt qua 6 doanh nghiệp khác, trúng đấu giá lô đất hơn 23,4 ha tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Đáng nói, giá trúng là hơn 1.626 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần giá khởi điểm.

Theo kinhtechungkhoan.vn
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hòa Bình

Tin cùng chuyên mục

Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (BPG) tiên phong kiến tạo nguồn nguyên liệu bền vững

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia và EVNGENCO2

Công đoàn Cơ quan Tập đoàn tham quan mô hình thực hiện tốt VHDN và 5S tại PV GAS CA MAU

Tân Hiệp Phát 13 năm nỗ lực tiếp lửa sáng tạo để các tài năng trẻ khoa học phụng sự xã hội

PV GAS hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Cảm Nhân, tỉnh Yên Bái

Hiện thực hóa giấc mơ ''an cư'' cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Bamboo Capital và hành trình 13 năm phát triển bền vững, kiến tạo giá trị cho cộng đồng

EVNHANOI đột phá trong an toàn lao động nhờ chuyển đổi số

ICD Tân cảng Sóng Thần lọt vào top 10 công ty đại chúng quản trị tốt

Nhìn lại hành trình của Chủ tịch tập đoàn đa ngành BIM Group Đoàn Quốc Việt

Hội nghị chuyên đề đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát

Vinh quang thợ mỏ: “30 năm Sáng tạo - Năng suất - Thu nhập cao”

Bosch Rexroth giới thiệu giải pháp tự động hóa tại triển lãm VIMF 2024

Vì sao Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn 5 tỷ USD dừng vận hành thương mại?

PV Power Ha Tinh – một thập kỷ vì dòng điện quốc gia

Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ tiếp tục được công nhận là 'Thương hiệu quốc gia'

Đặng Huỳnh Ức My: 'Bảo chứng thương hiệu quốc gia xuất phát từ trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt'

OCB được vinh danh Thương hiệu quốc gia lần thứ 3 liên tiếp

Chubb Life Việt Nam mở rộng văn phòng đối tác Infinity tại Cần Thơ và Hưng Yên

Sản phẩm điện lạnh, gia dụng duy nhất nào được công nhận Thương hiệu quốc gia?