Với định hướng phát triển kinh tế tri thức, hiện Hòa Bình đang nỗ lực vươn lên với khát vọng trở thành tỉnh khá vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030. |
Là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa vùng Tây Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình được biết đến là vùng đất cổ, có nền văn hóa phát triển, cái nôi của văn hóa Mường; nhiều di tích văn hóa, lịch sử; nền ẩm thực đa dạng, phong phú.. Bên cạnh đó, Hòa Bình có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông lâm nghiệp; là địa điểm du lịch giàu tiềm năng với các địa điểm Kim Bôi, Thung Nai, Thác Bờ, Mai Châu, hồ thủy điện Hòa Bình... và còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo… |
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình - cho biết: Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu chung là: Phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch; phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, cộng đồng... Đến nay, cơ sở hạ tầng du lịch từng bước đầu tư và đưa vào khai thác như tuyến đường 435 lên xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc; mở rộng tuyến đường từ thành phố Hòa Bình lên cảng Bích Hạ đến Khu du lịch hồ Hòa Bình. Dự kiến trong năm 2025, tỉnh Hòa Bình sẽ đầu tư mở tuyến đường du lịch bên ven hồ dài khoảng trên 30 km và nâng cấp cảng du lịch Thung Nai để thu hút đầu tư phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình. Hiện Hòa Bình đang huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình và đi Mộc Châu; mở các tuyến đường đến một số điểm có tài nguyên du lịch tại huyện Kim Bôi và huyện Lạc Sơn; xây dựng tuyến đường du lịch ven hồ Hòa Bình; đầu tư nâng cấp cảng du lịch để đón tiếp khách du lịch. |
Hòa Bình phát huy lợi thế, tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tạo điều kiện thuận lợi cho một số tập đoàn lớn có thương hiệu về đầu tư và phát triển du lịch trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại Khu du lịch hồ Hòa Bình và một số huyện có tiềm năng phát triển du lịch như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn... Đặc biệt, mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát lập dự án được quy hoạch tại 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch theo Quyết định số 439/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035. “Tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác quy hoạch, chuyển đổi đất, giải phóng mặt bằng để đầu tư phát triển các dự án du lịch”- Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Toàn khẳng định và nhấn mạnh. Xác định để phát triển kinh tế tri thức, ngành du lịch phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó có nội dung chuyển đổi số đối với lĩnh vực du lịch. |
Hiện Hòa Bình đang kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch
Theo ông Nguyễn Văn Toàn: Hiện na, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được ngành du lịch đẩy mạnh trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số. Tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch thông minh, trong đó đã số hóa được trên 30 điểm đến du lịch, để giúp cho du khách tìm hiểu thông tin, lập trang web quảng bá Khu du lịch hồ Hòa Bình. Cùng với các hoạt động quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội, các nền tảng số, Hòa Bình cũng đã triển khai ứng dụng các công nghệ dữ liệu trong xây dựng, lưu trữ dữ liệu du lịch. Số hóa dữ liệu về tài nguyên du lịch phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của đơn vị vào kho dữ liệu dùng chung của ngành và của tỉnh phục vụ công tác chuyển đổi số; xây dựng các ấn phẩm giới thiệu sản phẩm du lịch thông minh. “Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và doanh nghiệp tích cực triển khai nội dung số hóa các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa và các danh lam thắng cảnh, các dịch vụ du lịch nhằm phục vụ cho công tác truyền thông, quảng bá du lịch hiệu quả hơn”- Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh. |
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường...; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên 80%; phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh". Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh và những năm tiếp theo, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển các khu, cụm công nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với các chính sách ưu đãi, những điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng và thủ tục hành chính công khai, minh bạch, các khu, cụm công nghiệp trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê trong giai đoạn 2017-2023, tổng nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN của tỉnh đạt trên 1.638 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.507,43 ha với tổng số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh là 111 dự án, trong đó có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 379,77 triệu USD và 81 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.952,29 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN theo quy hoạch, tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo lợi thế thu hút đầu tư, góp phần tạo đà vững chắc cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững. |
Ông Hoàng Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình cho biết, theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hoà Bình quy hoạch 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.209,03 ha, trong đó có 17 cụm đã có trong quy hoạch trước (9 cụm công nghiệp giữ nguyên diện tích, 7 cụm công nghiệp mở rộng diện tích, 1 cụm công nghiệp giảm diện tích) và 21 cụm công nghiệp bổ sung mới. Hiện, 15/21 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 705,05 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp được phê duyệt là 5.394,529 tỷ đồng. Trong đó, có 11 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích đất là 580,415 ha; thu hút đầu tư 40 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đã cho thuê là 91,12 ha; tổng số vốn đăng ký khoảng 3.600 tỷ đồng. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động. |
Hòa Bình quyết tâm phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 các KCN Nhuận Trạch, Yên Quang, Bình Phú; tiếp tục triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN Lạc Thịnh, Thanh Hà; triển khai các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng KCN Nam Lương Sơn, Bờ trái sông Đà và một số KCN mới khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương. Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo; chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu… Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông; hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp. Kịp thời giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án... Tập trung triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển và thu hút đầu tư; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. |
Thu Hường Ảnh: Minh Kỳ- Thùy An Đồ họa: Ngọc Lan |