Thứ hai 25/11/2024 19:56

Đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII: Không sử dụng vốn đầu tư công

Đến 2030 sẽ cần 134,7 tỷ USD cho các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, các dự án đầu tư ngành điện sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.

Bộ Công Thươngvừa có Tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo đó đến 2030 sẽ cần 134,7 tỷ USD đầu tư cho các dự án nguồn điện.

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính

Trong tờ trình 6046/TTr-BCT đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gửi tới Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 31/8/2023 của Bộ Công Thương, nội dung phân kỳ vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện giai đoạn 2021-2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9,0 tỷ USD; vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 77,6 tỷ USD trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD. Như vậy tổng nguồn vốn đầu tư cho nguồn điện đến năm 2030 là 134,7 tỷ USD.

Tờ trình nêu rõ: “Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công”.

Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư ngành điện sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Ảnh: Thu Hường

Tại tờ trình, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để triển khai có hiệu quả Quy hoạch điện VIII; đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế tài chính, huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo Quy hoạch đã được duyệt, nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã xác định được quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, cũng như các giải pháp cụ thể để phát triển ngành điện có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả và bền vững, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh; thích ứng với biến đổi khí hậu; bám sát xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trên thế giới nhất là về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp; thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, xây dựng Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Dự thảo cũng đã được lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan.

Nội dung tờ trình nêu rõ: "Việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII là cần thiết trong triển khai các nội dung đã được xác định trong Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là xác định cụ thể về trách nhiệm, tiến độ và việc huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư của ngành."

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch nhằm tính toán rà soát tiến độ các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện theo quy hoạch điện VIII; tính toán quy mô phát triển nguồn điện khác (điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, điện sinh khối và rác, pin lưu trữ, nguồn linh hoạt…) phân theo vùng và/hoặc theo tỉnh tại các mốc 2025, 2030; tính toán rà soát tiến độ các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện cần đưa vào vận hành tại các mốc 2025, 2030, phân loại dự án lưới truyền tải do Nhà nước đầu tư và dự án xem xét xã hội hóa; đưa ra nhu cầu sử dụng đất tương ứng với kế hoạch đầu tư nguồn, lưới điện đến 2025, 2030; phân loại dự án đầu tư công và dự án ngoài đầu tư công; nhu cầu vốn đầu tư công và vốn khác ngoài đầu tư công; xác định các nguồn lực và việc sử dựng nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

Nội dung Kế hoạch bao gồm 9 chương, cụ thể hóa các nội dung chủ yếu như: Dự báo chi tiết kết quả nhu cầu phụ tải điện; Kế hoạch đầu tư nguồn và lưới điện; Kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất cho đầu tư phát triển điện lực và Các giải pháp, nguồn lực thực hiện.

Nhiệm vụ của từng bộ, ngành

Theo đó, nhiệm vụ của Bộ Công Thương là chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy đinh của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Nhiệm vụ được đề nghị giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về Năng lượng tái tạo, sớm trình Quốc hội thông qua. Trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Rà soát các quy định của pháp luật đối với các nhà máy điện than đang trong quá trình đầu tư. Ảnh: Thu Hường

Đồng thời chủ trì, tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, các nhà máy điện than đang trong quá trình triển khai đầu tư, rà soát kỹ các quy định của pháp luật, các cam kết, thoả thuận giữa các bên để xử lý dứt điểm các dự án.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn các chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và các vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành điện đồng bộ, cân đối, bền vững.

Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính và cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện theo kịp Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện được duyệt nhằm đáp ứng đồng bộ và đầy đủ nhu cầu điện của toàn xã hội. Đồng thời, giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chính sách về giá điện theo cơ chế thị trường; cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để thực hiện.

Cùng với đó, chủ trì, rà soát các văn bản pháp quy về thuế, tài chính, kế toán nhằm đảm bảo thi hành được các cơ chế tài chính, khuyến khích hỗ trợ thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các khách hành, doanh nghiệp đầu tư các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật.

Các giải pháp thực hiện:

Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

1.Giải pháp đảm bảo an ninh cung cấp điện đến năm 2025, 2030

2.Giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn cho phát triển ngành điện

3.Giải pháp về pháp luật, chính sách

4. Giải pháp về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai

5. Giải pháp về khoa học và công nghệ

6. Giải pháp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

7. Giải pháp về phát triển nguồn lực

8. Giải pháp về hợp tác quốc tế

9. Giải pháp về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện

10. Giải pháp về tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực

11. Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Quy hoạch điện VIII

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2025

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Bài 4: Từ kết quả giám sát đến yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Điện lực

Bài 3: Các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội nói gì?

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống

EVNCPC triển khai nhiều hoạt động trong ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’

Bộ Công Thương xây dựng 3 kịch bản cung cấp điện năm 2025

Hà Giang: Chú trọng đảm bảo an toàn hành lang lưới điện

Tháng tri ân khách hàng năm 2024 của EVN có gì đặc biệt?

PC Đắk Lắk: Đảm bảo an toàn lưới điện cao áp tại khu vực rừng trồng và rừng nguyên sinh