Đâu là động lực cho xuất khẩu hàng hóa những tháng tới?
Dù vẫn duy trì tăng trưởng, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I của nước ta chỉ tăng 0,5%, đạt 59,08 tỷ USD, là mức tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. “Cơn bão” Covid-19 quét qua hàng loạt các thị trường lớn, là bạn hàng xuất khẩu của nước ta, khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, hạn chế nhập khẩu, làm hàng Việt gặp nhiều sóng gió trong quý đầu tiên của năm 2020.
Nhiều động lực cho xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm |
Tuy nhiên, nếu so sánh mức tăng trưởng xuất khẩu dương của Việt Nam với mức suy giảm của hàng loạt các quốc gia lân cận, Việt Nam được đánh giá là đã vượt qua quý đầu tiên của năm 2020 tương đối thành công. Hoạt động ngoại thương cũng mang lại 2,8 tỷ USD thặng dư thương mại, tạo nguồn ngoại tệ ổn định và là động lực gia tăng kim ngạch lớn trong những tháng tiếp theo.
Vậy những tháng tới, tình hình liệu có sáng hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và dập dịch đang là từ khóa lớn nhất các quốc gia tập trung triển khai? Câu trả lời là có. Nói như Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thì, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thậm chí, chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn. Mặt hàng cá tra, cá basa… của Việt Nam có khá nhiều lợi thế vì vẫn được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Cụ thể, cá tra Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng kim ngạch khả quan sang hàng loạt thị trường ngay trong quý I năm nay - thời điểm dịch Covid-19 lập đỉnh ở nhiều quốc gia. Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến giữa tháng 3/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả nước đã đạt 267,8 triệu USD. Chỉ trong nửa đầu tháng 3, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đã tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại kể từ tháng 2/2020 và hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã được gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2.
Những con số này cũng là minh chứng rõ nét cho lý do thứ 2 được chuyên gia Phạm Tất Thắng đưa ra, đó là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt là Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch. Trung Quốc là thị trường rất lớn, gần, lại là bạn hàng lâu năm và có nhu cầu rất lớn các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như lương thực, thực phẩm, rau quả tươi… Những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho giao thương tại các cửa khẩu với Trung Quốc cũng đang phát huy tác dụng. Đây là cơ hội lớn để ta đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý II để bắt đầu quý III, quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU, nơi có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại, linh kiện điện tử… Đây cũng là những mặt hàng nước ta rất có thế mạnh và luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng chục tỷ USD, tỷ USD nhiều năm qua.
Ngoại lực là vậy, còn nội lực, Chính phủ và các Bộ ngành đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp để gỡ khó cho nền kinh tế. Bộ Công Thương - Bộ quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu đã triển khai hàng loạt các giải pháp như yêu cầu các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện tối đa trong việc cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục cắt giảm các thủ tục xuất nhập khẩu không cần thiết; yêu cầu các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa Việt… Động thái này đã giúp gạo - một trong những mặt hàng chủ lực của nước ta vẫn có tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong những tháng đầu năm, dù đó là thời điểm Trung Quốc - thị trường lớn nhất của gạo Việt giảm mạnh nhập khẩu gạo giữa thời điểm dịch bệnh lên cao điểm.
Hiện, một gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước còn đề ra hàng loạt giải pháp khác như giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiếu khấu chỉ còn 3,5%/năm…; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất…
Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhiều chính sách hữu ích khác trợ sức cho doanh nghiệp cũng được triển khai, như lùi thời điểm đóng phí công đoàn; chỉ xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 31-12-2019 trở về trước…
Tăng trưởng xuất khẩu - dù nhẹ, trong những tháng đầu năm là minh chứng rõ nét cho thấy những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Với các giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu có sự bứt phá mạnh hơn trong thời gian tới là có. Điều quan trọng là phải làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm được nhận hỗ trợ, trợ sức cho doanh nghiệp vào đúng thời điểm khó khăn nhất.