Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu ngoại khối lớn nhất cho Đức Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về cung cấp, chế biến gia vị Châu Á là khu vực xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2024 |
Thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu trong quý I
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 56.712 tấn hồ tiêu các loại, trong đó hồ tiêu đen đạt 49.743 tấn, hồ tiêu trắng đạt 6.969 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 235,6 triệu USD, hồ tiêu đen đạt 196,9 triệu USD, hồ tiêu trắng đạt 38,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 26,1%, kim ngạch giảm 0,1%.
Trung Quốc giảm mua hàng, xuất khẩu hồ tiêu quý đầu năm 2024 giảm lượng |
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đen đạt 3.966 USD/tấn, hồ tiêu trắng đạt 5.552 USD/tấn, tăng lần lượt 562 USD đối với hồ tiêu đen và 593 USD đối với hồ tiêu trắng so với cùng kỳ 2023.
Châu Á là khu vực xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất chiếm 37,7% đạt 21.365 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 54,3%. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất tại khu vực châu Á đạt 3.793 tấn, tăng 19,6% và chiếm 6,7%. Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhiều nhất 95,8% chỉ đạt 1.083 tấn so với 25.919 tấn cùng kỳ, UAE cũng giảm 38,6%; Iran giảm 29,3%, trong khi đó xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh 179,9% đạt 2.164 tấn.
Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 chiếm 29,7% trong đó Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam chiếm 26,8% đạt 15.185 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang châu Âu chiếm 26,3% tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu sang Đức lớn nhất tăng 113,8% đạt 3.701 tấn, Hà Lan tăng 76,9% đạt 2.598 tấn; xuất khẩu cũng tăng ở Nga (25,1%); Pháp (8,0%); Tây Ban Nha (32,3%), Italia (203,6%),…
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – cho hay, trong số các thị trường tăng mạnh nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam chúng ta không thấy xuất hiện thị trường Trung Quốc. Quý I/2024, Trung Quốc chỉ nhập hơn 1.000 tấn hồ tiêu.
Nguyên nhân có thể do thị trường Trung Quốc chưa có nhu cầu cần nhập khẩu; cũng có thể do năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu với lượng lớn, gần 60.000 tấn, do đó, lượng tồn kho vẫn còn. Đây cũng là một trong những lý do khiến sản lượng xuất khẩu hồ tiêu qusy I/2024 giảm.
Về mặt giá hồ tiêu tại thị trường trong nước, nếu tháng 4 năm 2023, giá tiêu thu mua cho bà con ở tại vườn chỉ khoảng 67.000 đồng/kg thì hiện đã lên 97.000 đồng/kg, tăng 44,7%. Giá tăng này rất mừng cho bà con.
Hồ tiêu là cây trồng có lượng giao dịch lớn trên thị trường. Qua các chu kỳ điều chỉnh giá, ví dụ như năm 2014 – 2015 là thời điểm mức giá đạt đỉnh điểm 120.000 – 150.000 đồng/kg; khoảng thời điểm năm 2020, giá hồ tiêu bán ra khoảng 50.000 đồng/kg thì hiện nay, giá hồ tiêu đang vào chu kỳ có lực đẩy trên thị trường.
Yếu tố tác động tích cực lên giá hồ tiêu thời gian vừa qua đến từ nguồn cung trên thế giới hạn chế do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây giảm sản lượng toàn cầu trong đó có 2 quốc gia trồng hồ tiêu lớn nhất là Việt Nam và Brazil.
“Yếu tố tăng giá được bắt đầu từ thời điểm tháng 9 và tháng 10 năm ngoái và kéo dài đến vụ mùa thu hoạch tháng 2, tháng 3 này. Với mức giá như hiện nay giúp bà con trồng hồ tiêu có thêm nguồn thu nhập để hỗ trợ cho những năm giá bán xuống thấp”, bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng vì yếu tố giá này khiến bà con có những động thái trong việc bán hàng hay không bán hàng, bán nhiều hay bán ít, bán cấp tập hay bán nhỏ giọt trên thị trường.
Ở chiều ngược lại, với mức giá như hiện nay, người mua cũng chưa muốn chấp nhận. Nếu nhìn về dài hạn, trong 3-5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất đáp ứng không đủ cho nhu cầu tiêu dùng, người mua đang mong muốn có sự liên kết để không tạo ra lượng đơn hàng ồ ạt trên thị trường, ghìm giá hồ tiêu xuống. Hay nói cách khác, chúng ta đang có sự giằng co giữa bên mua và bên bán trên thị trường.
Đánh giá xu hướng thị trường, bà Hoàng Thị Liên cho rằng, bắt đầu từ quý II này, thị trường Trung Quốc sẽ có dấu hiệu tham gia vào các mặt hàng tiêu trắng và tiêu đen.
Ổn định diện tích và nâng cao chất lượng
Trong bối cảnh ngành hồ tiêu hiện nay, bà Hoàng Thị Liên cho hay, hiện Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam và bà con trồng hồ tiêu sẽ phải làm 2 việc. Thứ nhất, làm thế nào để đảm bảo có đủ nguồn cung ra thị trường, bởi với sản lượng như hiện nay 170 – 190 nghìn tấn, nếu không củng cố vùng sản xuất thì sản lượng tiêu hàng năm sẽ bị sụt giảm. Việc sụt giảm này cũng sẽ ảnh hưởng đến vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bởi trong vòng 2-3 năm tới, khi Brazil mở rộng diện tích canh tác, sẽ bám đuổi sát với Việt Nam về sản lượng. Do đó, cùng với giá bán tốt, Hiệp hội cũng đã làm việc với doanh nghiệp, bà con trồng hồ tiêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm sao ưu tiên trồng tiêu, không thay thế cây hồ tiêu bằng các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng.
"Chưa bao giờ trong 25 năm qua, giá cây cà phê lại vượt đuổi cây hồ tiêu như thời gian vừa qua. Tháng 9 năm ngoái, khi chúng tôi đi khảo sát, bà con có chia sẻ nếu với mức giá 50.000 - 60.000 đồng/kg bà con không muốn duy trì trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, năm nay, sau thời điểm thu hoạch xong, giá hồ tiêu bán ra đã lên gần 100.000 đồng/kg. Với mức giá này chúng tôi có hi vọng là cây hồ tiêu sẽ vẫn giúp bà con thu lợi nhuận cao trong thời gian tới”, bà Hoàng Thị Liên cho biết.
Hiện nay, nhất cử nhất động trên thị trường giá, người mua trên khắp thế giới đều đến Việt Nam để quan sát và tìm nguồn hàng. Nếu không có sản lượng thì chúng ta không thể quyết định giá trên thị trường thế giới.
Thứ hai, cùng với giá, vấn đề chất lượng cũng cần được chú trọng. Làm sao chất lượng hồ tiêu đồng đều và quy chuẩn hơn để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU và Hoa Kỳ.