Nhờ giá cao, kim ngạch xuất khẩu cà phê quý I/2024 tăng vọt 57,3% Quý I/2024, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 585.000 tấn |
Kết phiên giao dịch ngày 02/5, giá cà phê thế giới tiếp tục bị bán tháo mạnh xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Tồn kho cà phê phục hồi đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung và thúc đẩy thanh lý cà phê kỳ hạn kéo dài.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 giảm 298 USD/tấn, ở mức 3.680 USD/tấn; giao tháng 9/2024 giảm 291 USD/tấn, ở mức 3.617 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 9,70 cent/lb, ở mức 206,30 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 9,30 cent/lb, ở mức 204,75 cent/lb.
Dữ liệu cho thấy, tồn kho cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe tính đến ngày 1/5 đạt 39.450 tấn - mức cao nhất trong 5 tháng qua. Trong khi, tồn kho cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US cũng phục hồi lên mức cao nhất trong 1 năm qua, đạt 682.036 bao (60 kg/bao).
Giá cà phê 2 sàn tiếp tục chuỗi ngày tụt dốc không phanh. Cà phê bị bán tháo rất mạnh đã đẩy giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Nguồn cung cà phê trên thị trường phục hồi đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung và thúc đẩy thanh lý vị thế mua kỳ hạn.
Trong một cuộc thăm dò của Reuters hồi tháng 3/2024 đã phỏng vấn 10 thương nhân và các nhà phân tích. Đa phần dự báo cho rằng giá cà phê Arabica sẽ kết thúc năm 2024 nằm trong khoảng 165 cent/pound, nếu như điều này là đúng thì có nghĩa là giá loại cà phê chủ lực sẽ giảm khoảng 9% so với mức cuối năm 2023. Giá cà phê Robusta cũng được dự kiến kết thúc năm 2024 trong khoảng 2.600 USD/tấn, thấp hơn 14% so với giá vào cuối năm ngoái.
6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 - tháng 3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn cà phê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD |
Những người tham gia cuộc thăm dò tại thời điểm đó, tin rằng giá cà phê sẽ bị áp lực trong tháng 4-5 do triển vọng nguồn cung thuận lợi hơn.
Dự báo về giá từ đây đến cuối năm 2024 tuy vẫn còn hơi sớm vì sẽ còn nhiều biến động về thời tiết, cũng như nguồn cung từ những nước sản xuất, chúng ta sẽ còn phải chờ, tuy nhiên, những nhận định của những nhà phân tích cũng như những nhà kinh doanh hàng đầu sẽ ảnh hưởng đến giá cả hiện tại, bởi hành động đi sau đó thường là bán ra kỳ hạn ngay từ bây giờ và điều đó dễ khiến cho giá cà phê bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân mà những người tham gia thăm dò kỳ vọng là sản lượng cà phê tại nước trồng hàng đầu Brazil sẽ tăng lên 69,5 triệu bao vào năm 2024/25 từ con số 66,1 triệu bao vào năm 2023/24 và dự kiến sản lượng tại Việt Nam, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới và là nước trồng cà phê Robusta hàng đầu, tăng 1,5 triệu bao lên 29,5 triệu bao vào năm 2024/25.
Ba nhà phân tích được Reuters thăm dò cho biết yếu tố chính trên thị trường sẽ là sự thay đổi của các hình thái khí hậu, từ El Nino hiện tại sang La Nina có thể xảy ra trong nửa cuối năm nay.
El Nino thường được coi là tiêu cực hơn đối với sản xuất cà phê vì nó có xu hướng dẫn đến thời tiết khô hơn đối với các khu trồng cà phê Robusta ở châu Á và khí hậu ấm hơn mức trung bình ở Brazil. Việc chuyển sang La Nina có thể mang đến thời tiết thuận lợi hơn cho cây cà phê.
Giá cà phê trong nước lao dốc chưa từng có, giảm một mạch tới 12.500 đồng/kg, giao dịch về khoảng 117.500 - 118.000 đồng/kg. Hoạt động giao dịch vẫn yếu tại Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Tuy nhiên, nguồn cung Việt Nam đã xuất khẩu 756.000 tấn cà phê trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 2,57 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 - tháng 3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn cà phê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 60% trong tổng số sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa cho biết, trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 – tháng 3/2024), Việt Nam xuất khẩu 956.000 tấn cà phê, tổng kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 60% trong tổng sản lượng dự kiến vào khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn của niên vụ hiện tại.
Trước những thách thức lớn như tình trạng suy giảm diện tích do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến đổi khí hậu dẫn đến sụt giảm sản lượng, ông Lê Đức Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, cho rằng, đây là lúc các thành viên trong chuỗi cung ứng cà phê cần trao đổi các vấn đề khó khăn và hợp tác trên tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển.
Đồng thời, có sự chọn lọc, loại bỏ dần các đơn vị, đối tác kinh doanh thời vụ, không uy tín ra khỏi chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các địa phương trồng cà phê trọng điểm ở Tây Nguyên cũng cần có giải pháp để tăng sản lượng, chất lượng cà phê thông qua việc cải tạo giống, vườn cây, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lê Đức Huy chia sẻ.