Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm
Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiến hành kiểm tra, phát hiện Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) trụ sở tại số 107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh có hành vi chào bán chứng khoán ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN, vi phạm quy định tại Điều 13, Luật Chứng khoán năm 2006 và Điều 16, Luật Chứng khoán năm 2019.
Thông báo phát hành trái phiếu của Tập đoàn Vsetgroup |
Ngày 30/11/2021, UBCKNN ban hành Quyết định số 814/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng. Đồng thời, UBCKNN còn buộc VsetGroup phải thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.
Ngoài ra, UBCKNN còn nêu rõ hoạt động chào bán trái phiếu của VsetGroup có dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư. VsetGroup báo cáo đã ký hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu từ 01/01/2020 - 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 208 tỷ đồng. VsetGroup còn báo cáo thực hiện chào bán trái phiếu để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được.
Đặc biệt, UBCKNN còn cho rằng VsetGroup không theo dõi, hạch toán, trình bày trên Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 và Báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2021 của công ty đối với các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn. Các khoản tiền thu được từ chào bán trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán.
Trước những dấu hiệu bất thường này, UBCKNN khẳng định đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an để xem xét xử lý vụ việc.
Được biết, UBCKNN đã khẳng định VsetGroup nêu mục đích phát hành trái phiếu “chui” trị giá 208 tỷ để tài trợ vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, trong gần 2 năm 2020, 2021 nhưng không cung cấp được hồ sơ liên quan đến sử dụng số tiền. Đối chiếu với Điều 5, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy: Về nguyên tắc phát hành trái phiếu và sử dụng vốn, doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Trong đó mục đích phát hành bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn; nguồn vốn được cơ cấu…
Thông tin VsetGroup bị xử phạt 600 triệu đồng được đăng tải trên trang điện tử của UBCKNN |
Trong khi đó, tại trang điện tử với tên miền https://vsetgroup.com/ được cho là của Tập đoàn VsetGroup đăng tải rất nhiều hình ảnh danh mục các dự án thuộc lĩnh vực: bất động sản, tài chính, thời trang, nhà hàng, khách sạn, đào tạo lái xe… Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý của các dự án này được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt ra sao không được thể hiện đầy đủ. Đồng thời, UBCKNN cho biết, VsetGroup đã không nộp hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu theo quy định. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu VsetGroup có che giấu thông tin về chương trình, dự án đầu tư… để huy động rồi sử dụng hàng trăm tỷ đồng của khách hàng vào mục đích khác?
Bên cạnh đó, dư luận cũng còn đặt ra câu hỏi, liệu những dự án kêu gọi đầu tư bằng trái phiếu của VsetGroup đã được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép hay mới chỉ nằm trong “quy hoạch” phát triển theo định hướng của tập đoàn. Nếu đã đầy đủ và thực hiện đúng mục đích tại sao không trình hồ sơ đăng ký chào bán theo đúng quy định?
Có phải lần đầu?
Ngày 27/1/2022, VsetGroup đã gửi UBCKNN báo cáo về việc tổng kết khắc phục theo Quyết định xử phạt hành chính số 814/QĐ-XPVPHC. Đại diện VsetGroup thông tin trên truyền thông về việc bán chui trái phiếu là do doanh nghiệp hiện chưa là công ty đại chúng, VsetGroup lần đầu tham gia hoạt động phát hành chứng khoán nên kinh nghiệm còn sơ khai, kiến thức về pháp luật chứng khoán còn hạn chế, khó tránh khỏi các thiếu sót. Hiện doanh nghiệp này thông tin đã hoàn trả lại tiền cho các trái chủ nhưng không công bố con số cụ thể.
Hình ảnh trái phiếu của VsetGroup thể hiện năm phát hành 2018 |
Sai phạm như vậy nhưng trong bản tin được một số cơ quan báo chí đăng tải, đơn vị này nêu: “Trong thời gian rất ngắn, VsetGroup đã thực hiện biện pháp khắc phục: Gửi văn bản thông báo cho nhà đầu tư; công bố trên 1 tờ báo trung ương trong 3 số liên tiếp; công bố trên trang thông tin điện tử của VsetGroup về việc hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi”.
Trước những thông tin VsetGroup đưa ra, dư luận cho rằng lý giải này chưa thật sự thuyết phục. Bởi VsetGroup là doanh nghiệp đa ngành đã thành lập được 8 năm. Trong khi đó, quy định về chứng khoán đã được “luật hoá” từ năm 2006 bằng Luật Chứng khoán 2006 và tới nay là Luật Chứng khoán 2019. Đồng thời, đi kèm các văn bản dưới luật là các Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 quy định về quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp đến, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về việc này.
Hơn nữa, trong một số tài liệu VsetGroup đã trích dẫn Nghị định 153/2020/NĐ-CP để làm 1 trong những căn cứ chào bán trái phiếu gửi tới các trái chủ. Đặc biệt, VsetGroup còn khẳng định căn cứ vào Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì không phải xin phép bất kỳ cơ quan nào chấp thuận khi công bố thông tin chào bán. Trong khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định rất rõ về trình tự, thủ tục chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Vậy, VsetGroup có thể không biết luật hay “cố tình” báo cáo sai và chưa đầy đủ?
Đáng chú ý, VsetGroup cho rằng đây là lần đầu tham gia phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, hình ảnh thể hiện VsetGroup không chỉ phát hành trái phiếu trong giai đoạn từ 01/01/2020 - 27/10/2021 theo kết quả kiểm tra của UBCKNN mà đã có dấu hiệu thực hiện từ năm 2018.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về hành vi của VsetGroup, một số luật sư cho rằng: VsetGroup không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc sử dụng số tiền từ bán trái phiếu nhưng lại để các cá nhân trong công ty rút tiền ra khỏi tài khoản. Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ, tại sao các cá nhân lại được phép rút tiền hay VsetGroup đang thu tiền qua bán trái phiếu rồi trả nợ cho nhân viên? Các cá nhân được rút tiền theo trường hợp nào, thanh toán cá nhân hay VsetGroup giao cho cá nhân chịu trách nhiệm sử dụng nguồn vốn phục vụ cho kinh doanh theo đúng mục tiêu ban đầu khi chào bán trái phiếu.
Chính sách hợp tác trái phiếu từ ngày 15/12/2019. |
Trường hợp sử dụng trái với mục đích đầu tư có thể được hiểu là có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi vì người mua trái phiếu được công bố mục đích rõ ràng từ phía VsetGroup, nếu không được sử dụng đúng mục đích thì đã bị lừa. Còn việc doanh nghiệp có hoàn trả lại tiền cho trái chủ hay không đây chỉ là tình tiết khắc phục hậu quả bởi hành vi chiếm đoạt tài sản đã cấu thành.
Bộ Tài chính đã xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả
Liên quan đến phát hành trái phiếu, ngày 7/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 304 chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định, đảm bảo hoạt động phát hành trái phiếu đúng mục đích, lành mạnh.
Ngày 8/4 vừa qua, Bộ Tài chính cũng phát đi thông cáo cho biết: Từ năm 2019, Bộ đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group, đồng thời, xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Bộ cũng chỉ đạo UBCKNN phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để xem xét các trường hợp vi phạm.
Mong rằng, VsetGroup và các cơ quan chức năng liên quan sớm công bố thông tin cụ thể hơn, rõ ràng hơn tới dư luận về sự việc, qua đó thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, không để doanh nghiệp bị “hàm oan” (nếu có). Đồng thời qua sự việc này, các cơ quan chức năng cũng cần sớm có những giải pháp “bịt” các “lỗ hổng” trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, không để cá nhân hay tổ chức nào “lũng đoạn” thị trường thể hiện sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật.