Đậu đũa, vị thuốc quý từ loại rau quen thuộc
Theo Đông y, quả đậu đũa có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc; vào các kinh túc thái âm tỳ và túc thiếu âm thận; có tác dụng kiện tỳ, bổ thận, thanh nhiệt giải độc, lợi yết hầu... thường dùng chữa tỳ vị hư nhược, bụng trướng tiêu chảy, nôn mửa, tiêu khát (đái tháo đường), thận hư di tinh, bạch trọc, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ bị khi hư bạch đới...
Rễ cây đậu đũa có tác dụng kiện tỳ ích khí, tiêu thực, chữa bệnh trĩ, tiểu đục, mụn nhọt. Lá cũng có thể dùng chữa chứng tiểu tiện nhỏ giọt và đau buốt.
Đậu đũa chứa đựng nhiều lợi ích sức khỏe và có thể dùng như một vị thuốc. Ảnh minh họa |
Cách dùng đậu đũa trong phòng chữa bệnh
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Đậu đũa để cả vỏ 150g tươi (hoặc 60g khô), luộc lên ăn đỗ và uống nước; ngày dùng 1 lần. Hoặc dùng đậu đũa tươi, chần qua nước sôi, trộn với gia vị làm món rau ăn trong bữa cơm.
Chữa bụng trướng, khó tiêu: Đậu đũa non liền cả vỏ 150g, rửa sạch, chần qua nưới sôi, thái nhỏ, thêm dầu và gia vị cho hợp khẩu vị, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.
Hoặc dùng đậu đũa non 20g, rửa kỹ bằng nước sạch, nhấm nháp từng ít một (nhai kỹ và nuốt dần) nhiều lần trong ngày.
Chữa di tinh do thận hư: Hạt đậu đũa 100g tươi (hoặc 30g khô), gạo tẻ 100g, táo tàu 8g; nấu thành cháo, trước mỗi bữa cơm ăn một bát.
Chữa tiểu tiện ra máu (niệu huyết): Hạt đậu đũa khô nghiền thành bột mịn, ngày uống 3- 4 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước đã đun sôi hoặc bằng rượu.
Chữa bí tiểu tiện, tiểu tiện nhỏ giọt: Lá cây đậu đũa 150g tươi, sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày.
Giảm đau lưng: Vỏ quả đậu đũa 100-120g, sắc nước uống trong ngày.
Chữa di tinh, bạch trọc ở nam giới (từ quy đầu có chất dịch trắng đục nhỏ ra từng giọt): Đậu đũa 100g, rau muống 100g, nấu với thịt lợn hoặc thịt gà, làm thức ăn trong bữa cơm hàng ngày; cũng có thể dùng đậu đũa 30g, sắc nước uống ngày 2 lần.
Chữa suy dinh dưỡng, chán ăn, ăn uống không tiêu: Rễ cây đậu đũa 30g, nghiền thành bột mịn, hấp với trứng gà ăn hàng ngày.
Hoặc rễ cây đậu đũa, lá mơ tam thể - mỗi thứ một nắm, nấu với thịt ăn hàng ngày.
Chữa mồ hôi trộm: Hạt đậu đũa 60g, đường phèn 30g, sắc nước uống.
Đậu đũa tốt cho sức khỏe xương: Đậu đũa không chỉ cung cấp nguồn canxi dồi dào (100g đậu đũa chứa khoảng 47mg canxi), mà còn chứa vitamin K là "chìa khóa vàng" giúp xương chắc khỏe. Sự kết hợp hoàn hảo này giúp tối ưu hóa quá trình hấp thụ canxi, kích thích hình thành xương, phòng ngừa loãng xương và các bệnh lý về xương khớp. Bên cạnh đó, đậu đũa còn chứa các khoáng chất quan trọng khác như magie, kali, phốt pho, vitamin B6... góp phần nuôi dưỡng hệ xương chắc khỏe từ bên trong.
Đậu đũa ngăn ngừa ung thư: Do chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, flavonoid, carotenoid, đậu đũa còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Các chất dinh dưỡng này động như một "tấm khiên" bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do, giảm nguy cơ ung thư. Bên cạnh đó, chất xơ trong đậu đũa còn đóng vai trò như "chất tẩy rửa" tự nhiên, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, loại bỏ độc tố, giảm đáng kể nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Tốt cho tim mạch: Đậu đũa được ví như "siêu thực phẩm" cho trái tim khỏe mạnh nhờ giàu chất xơ hòa tan, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, đậu đũa còn chứa folate, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp giảm homocysteine - "kẻ thù thầm lặng" của mạch máu. Hơn nữa, hàm lượng kali dồi dào trong đậu đũa còn giúp điều hòa huyết áp, giảm gánh nặng cho tim và ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.
Những lưu ý khi ăn đậu đũa
Không ăn quá nhiều đậu đũa: Nhiều người thấy đậu đũa tốt nên ăn hàng ngày với lượng lớn. Đây là một suy nghĩ tai hại bởi ăn quá nhiều đậu đũa có thể dẫn đến táo bón và làm suy giảm chất lượng tinh trùng của nam giới. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, chỉ nên ăn thực phẩm này với lượng vừa phải, mỗi tuần 2 - 4 bữa là được.
Rửa kỹ đậu đũa trước khi chế biến: Trong quá trình sinh trưởng, cây đậu đũa rất dễ bị nhiều loại sâu bệnh tấn công nên thường được nhà vườn phun nhiều thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, nhiều nơi còn sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng hay hóa chất để làm quả đậu thẳng hơn. Những chất này đều có thể gây hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài việc lựa chọn nơi mua đậu an toàn, nên rửa kỹ đậu qua nhiều lần nước và ngâm với nước muối để loại bỏ bớt các chất độc hại nếu có.
Không ăn đậu đũa khi đang bị gout: Mặc dù đậu đũa có thể giúp ngăn ngừa bệnh gout nhưng nếu đã mắc căn bệnh này thì nên loại bỏ đậu đũa ra khỏi thực đơn. Theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu đũa và các loại đậu khác đều kỵ với thống phong (bệnh gout) nên có thể làm triệu chứng bệnh thêm nặng.
Không ăn đậu đũa sống: Trong đậu đũa sống có chứa nhiều lectin. Đây là một chất độc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng hoặc thậm chí là tử vong nếu lectin tích tụ nhiều trong cơ thể. Vì vậy không nên ăn đậu đũa sống. Hãy nấu chín đậu trước khi ăn để chất độc được tiêu hủy hết và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.