Đắk Nông: Phát triển du lịch canh nông
Sản phẩm du lịch mới
Trồng nhiều loại cây ăn trái để khách thăm quan ở thời điểm nào cũng có trái cây thưởng thức đó là cách nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Nông làm du lịch từ sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm du lịch mới này đang mở ra cơ hội để giúp nông dân làm nông nghiệp có thêm thu nhập.
Nhiều nhà vườn tại tỉnh Đắk Nông đang làm du lịch canh nông: Kết hợp làm nông nghiệp (hữu cơ) gắn với phát triển du lịch |
Tháng 5/2020, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thế Độ, ở xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới rộng hơn 1.700 m2, làm giàn leo, vật tư, mua giống nho về trồng. Ông Độ nhập về 550 gốc nho gồm nho Hồng Nhật, nho móng tay, nho kẹo về trồng. Sau hơn 8 tháng trồng và chăm sóc, nho đã ra quả bói và sau hơn 18 tháng nho cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Giống nho ông Độ trồng cho thu hoạch trên 10 năm, mỗi năm 2 vụ, chi phí các mùa sau sẽ giảm hơn so với mùa đầu tiên nhưng năng suất sẽ tăng gấp 3 bắt đầu từ vụ thứ 2 trở đi giúp cho người trồng có lãi hơn sau này.
Vụ thu hoạch nho năm nay kéo dài khoảng nửa tháng, mỗi ngày vườn nho của kĩ sư Độ đón tiếp khoảng 100 - 150 lượt khách đến thăm quan vườn. Ngoài vườn nho, khu sản xuất của ông Độ còn có hơn 5.000m2 nhà lưới trồng dưa lưới và dưa hấu.
Ông Độ cho biết, chỉ đầu tư sản xuất đơn thuần nên hơi bỡ ngỡ. "Việc mở cửa đón khách du lịch giúp tôi có thêm kênh bán hàng cho khách ngay tại vườn khá hiệu quả", ông Độ cho hay. Du khách khi đến nhà vườn sẽ được hướng dẫn, giới thiệu về quy trình sản xuất, thăm quan toàn bộ khu vực sản xuất. Mở cửa đón khách cũng giúp nhà vườn có thêm kênh bán hàng cho khách du lịch khá ổn định, nho được bán với giá 180.000 đồng/kg, dưa lưới có giá 45.000 đồng/kg.
Tương tự, năm 2016, ông Lê Văn Quang, ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil) mua hơn 2,5 ha đất ở khu vực xã Long Sơn để sản xuất nông nghiệp. Để tìm hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, ông Quang gửi mẫu đất, nước đi kiểm tra. Từ đó, ông Quang có cơ sở trồng 500 cây bưởi da xanh, 600 cây xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan; 100 cây na; 150 cây mít Thái; hơn 200 cây ổi… Đến nay, tất cả các loại cây trồng đã cho thu hoạch.
Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ông Quang sản xuất theo hướng hữu cơ. Để tận dụng các loại trái cây hư hỏng, bị loại, ông Quang chăn nuôi 5 con heo lai rừng sinh sản. Mỗi năm, đàn heo sinh sản từ 50 - 70 con heo con. Ngoài thu nhập từ đàn heo, ông có thêm nguồn phân heo để bón cho các loại cây trồng.
Khách du lịch tham quan vườn |
Các loại cây ăn trái trong vườn, ông Quang đều canh tác theo hướng hữu cơ, sinh học, bảo đảm an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Không dừng lại ở phát triển nông nghiệp đơn thuần, trên 2,5 ha đất, ông Quang mở nhiều đường để tiện sản xuất và phục vụ khách du lịch tham quan vườn cây. Hiện nay, ông Quang đã mở cửa đón khách du lịch đến thăm quan, thưởng thức trái cây và nghỉ ngơi thư giản tại vườn. Mỗi tháng vườn có khoảng 200 khách đến vườn thăm quan, mua trái cây.
"Bán trái cây tại vườn cho khách cũng là kênh bán hàng khá hiệu quả hiện nay. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ du khách sẽ giúp người nông dân như tôi có thêm thu nhập", ông Quang chia sẻ.
Tiềm năng lớn chưa được khai thác
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 6.000 ha cây ăn quả phân bố ở nhiều địa phương. Trong đó, nhiều trang trại nằm ngay trên cung đường dẫn đến các điểm, tuyến du lịch gắn với Công viên địa chất Đắk Nông. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch canh nông, du lịch cộng đồng.
Tỉnh Đắk Nông đang khuyến khích người dân có vườn cây ăn trái đầu tư phát triển theo mô hình canh nông góp phần đa dạng các loại hình du lịch. Tuy nhiên hiện nay, loại hình du lịch này ở tỉnh Đắk Nông đang ở dạng tiềm năng.
Du lịch canh nông mở ra hướng đi mới hiệu quả cho các nhà vườn cũng như lĩnh vực du lịch tại tỉnh Đắk Nông |
Để phát triển loại hình du lịch canh nông, theo ý kiến của một số đơn vị lữ hành, tỉnh Đắk Nông cần định hướng, hướng dẫn chủ vườn tạo ra những mô hình theo điều kiện, đặc điểm riêng, có thể tham khảo một số mô hình thành công ở Đà Lạt hay các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, chủ vườn khi xác định làm du lịch thì cần đầu tư bài bản hơn. Xây dựng vườn cây có khu đón tiếp, nơi trưng bày hình ảnh, giới thiệu quy trình canh tác, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm trực tiếp tại vườn; có khu vệ sinh sạch sẽ; xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Nếu có sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa người dân và ngành chức năng, loại hình du lịch canh nông, vườn cây ăn quả sẽ mở ra hướng phát triển nhiều tiềm năng cho ngành du lịch tỉnh Đắk Nông trong tương lai.