Đắk Nông: Gỡ khó, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh
Chiều ngày 27/12, ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Hội nghị "Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, hợp tác xã năm 2022" với chủ đề "Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng thị trường tiêu thụ".
Chủ tịch UBND /chu-de/tinh-dak-nong.topic cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những bước phát triển tương đối toàn diện cả về chiều rộng và chiều sâu, tiếp tục đóng vai trò là 1 trong 3 trụ cột trong nền kinh tế nội tỉnh. Ngoài ra, kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 12%. Nông sản được sản xuất theo yêu cầu và định hướng của thị trường. Đến nay, tỉnh đã công nhận được 52 sản phẩm OCOP và 1 chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Đắk Nông. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 1 tỷ USD. Toàn tỉnh có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
"Ngoài những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả, năng suất chưa cao; chưa hình thành vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa tập trung; công nghiệp chế biến phát triển chậm; vai trò của kinh tế tập thể còn hạn chế, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả cũng như tỷ lệ giá trị sản phẩm liên kết thấp. Hệ thống khuyến nông bị đứt gãy, giảm hiệu quả hoạt động; việc chuyển giao kỹ thuật mới vào sản xuất còn chậm. Cùng với đó là những khó khăn, thách thức đến từ sự gia tăng rào cản kỹ thuật, các chuẩn mực cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp", ông Hồ Văn Mười chỉ rõ.
Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Ảnh: DV |
Với những hạn chế, tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện 9 nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp đỡ người dân, hợp tác xã phát triển. Đó là cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, tăng cường phổ biến những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng "tri thức hóa nông dân" để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Cùng với đó, phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông, lâm nghiệp và các tổ hợp tác, phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, phát huy được hết dư địa nông nghiệp ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn.
Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản.
"Chúng ta cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, kinh tế hợp tác. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của nhà nước", ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Tỉnh Đắk Nông đề ra 9 nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ, giúp đỡ nông dân, hợp tác xã phát triển sản xuất kinh doanh |
Đồng thời trong thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và liên kết nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Đồng thời, tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng; nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.