Cà Mau tập huấn quyền dân sự chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số Vĩnh Long phát triển du lịch làng nghề gắn với đồng bào dân tộc thiểu số |
Ngày 17/3, đoàn công tác Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo CDC Đắk Lắk, các thành viên Ban Quản lý dự án huyện Ea Súp và M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) đã có chuyến tham quan học hỏi tại tỉnh Sơn La. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong cộng đồng dân tộc thiểu số” tại hai tỉnh Đắk Lắk và Sơn La trong giai đoạn 2021-2023, do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Hàn Quốc tài trợ với tổng số vốn khoảng 35 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Sau gần 2 năm, dự án đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về Phương pháp Kangaroo (KMC), Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng/bệnh lý/có nguy cơ cao, nâng cao kĩ năng tuyên truyền, thay đổi tư duy cho cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã và y tế thôn bản, xây dựng bộ tài liệu truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ dân tộc và hình ảnh minh họa phù hợp với văn hóa vùng miền,…
Kết quả bước đầu cho thấy sự cải thiện đáng kể trong nhận thức của bà con: Số lượng phụ nữ mang thai đến khám thai đủ 4 lần tại trạm y tế tăng lên đáng kể; Bà con cũng đã có ý thức hơn về những nguy cơ khi tự sinh con tại nhà và cam kết sẽ đến sinh đẻ tại các cơ sở y tế. Nhờ việc áp dụng mô hình KMC từ cộng đồng đến tuyến xã, tuyến huyện và KMC ngay trong khi chuyển viện, nhiều em bé non tháng nhẹ cân đã được cứu sống.
Trao đổi tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chia sẻ những mô hình điển hình của dự án đã và đang áp dụng tại Đắk Lắk như: KMC, chuyển tuyến an toàn, đội chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh lưu động... Đồng thời, khẳng định mong muốn học hỏi thêm những kinh nghiệm từ Sơn La để từ đó áp dụng tại địa phương, nhằm chăm sóc tốt hơn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số tại địa phương.
Chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm giữa hai tỉnh triển khai dự án là cơ sở để hai Ban Quản lý chia sẻ các mô hình thành công về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại khu vực vùng núi, những thôn bản giao thông cách trở và là nơi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang cùng sinh sống, đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm, những thành công ban đầu cũng như các giải pháp đã áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc ban đầu.
Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai đến khi sinh con và nuôi con là một quá trình cần có kiến thức và sự quan tâm đúng mức để đứa trẻ sinh ra được khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, của cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Tỉ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh. Tuy nhiên, tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk, đời sống kinh tế của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn nên kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế khiến tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng còn tương đối cao. Việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hành chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, sẽ góp phần giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tử vong mẹ, trẻ sơ sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |