Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những tư duy chiến lược về kinh tế biển, đảo
Nhà giàn DK và dấu ấn chỉ đạo của vị Đại tướng
Ít người trong chúng ta biết rằng từ chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đời những nhà giàn DK hiên ngang trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đến nay những nhà gian này vẫn luôn là một biểu tượng của ý chí, tinh thần Việt Nam.
Tháng 6/1988, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) họp bàn về tình hình quần đảo Trường Sa. Sau đó, lãnh đạo Ban Biên giới đã báo cáo lên cấp cao và báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những thuận lợi và khó khăn trong tìm kiếm biện pháp quản lý các bãi ngầm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã báo cáo Bộ Chính trị về việc xây dựng các nhà giàn cao chân trên các bãi ngầm trong thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký Văn bản số 19/NQ-TW về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam. Từ ngày 10 đến ngày 15/6/1989, nhà giàn thứ nhất được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Công binh tiến hành xây dựng trên bãi đá ngầm Phúc Tần trong thềm lục địa Việt Nam, và sau đó những nhà giàn tiếp theo được xây dựng.
Những nhà giàn DK luôn vững vàng trên thềm lục địa của Việt Nam |
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, bao trùm lên các bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Danh từ DK chính là chữ cái đầu tiên viết tắt của cụm từ dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật.
Hiện nay có gần hai chục nhà giàn DK đang trụ vững kiên cường trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Từ tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, Việt Nam đã hiện diện một cách thực sự, có cơ sở pháp lý, thường trực trên các bãi ngầm để bảo vệ khu vực khai thác dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc.
Tư duy chiến lược của Đại tướng trong chỉ đạo phát triển kinh tế biển
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người rất sáng suốt hoạch định, chỉ đạo chiến lược phát triển kinh tế biển thời bình. Trên cương vị Phó Thủ tướng rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế miền biển rất ấn tượng. Nội dung chiến lược bao trùm lên lĩnh vực kinh tế biển, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế biển trên cơ sở từ đất liền, v.v… Đại tướng sớm có quan điểm đưa dân ra làm kinh tế biển trên các đảo và hải đảo xa bờ, vừa cải thiện được đời sống của dân, vừa có lực lượng để giữ vững chủ quyền biển, đảo, đồng thời phải bố trí lại lực lượng sản xuất, lực lượng lao động, đưa dân ra vùng biển, xây dựng kinh tế biển một cách toàn diện.
Ngày 2/8/1977, tại Hội nghị về biển lần thứ nhất được tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Đó là muốn xây dựng nền kinh tế phát triển thì chúng ta nhất định phải coi trọng biển và làm công tác khoa học - kỹ thuật, nhất thiết phải coi trọng khoa học - kỹ thuật về biển.
Năm 1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất chiến lược làm chủ biển với nội dung toàn diện và cụ thể về bảo vệ các đảo, quần đảo ngoài khơi, bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tầm quan trọng của biển, đảo. Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong chiến lược này vẫn nguyên vẹn tính thời sự.
Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22/10/2018) của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định quan điểm, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết khẳng định, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam
Mục tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết 36 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thế kỷ XXI là thế kỷ của biển và đại dương, nhân loại đang hướng ra biển cả để tận dụng những giá trị vốn có của biển, khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nghiên cứu tư duy chiến lược về biển, đảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ để ngợi ca mà chính là cách để chúng ta góp phần hiện thực hóa những tư duy của Đại tướng.
(Bài viết có sử dụng tư liệu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”)