Đại tướng Võ Nguyên Giáp - mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam
Xin phép được soi chiếu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) - tìm hiểu những hiện tượng được giao lưu, tiếp biến từ nhiều nguồn văn hóa nên tạo được những nét độc sáng, để khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mô hình (paradigm) mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam.
Những mạch nguồn nhân văn quân sự
Cây đại thụ văn hóa Võ Nguyên Giáp cường tráng, lực lưỡng nhờ có ba chùm rễ rất khỏe miệt mài hút dưỡng chất tinh hoa truyền thống từ ba mảnh đất văn hóa của dân tộc Việt, của phương Đông và phương Tây. Cành lá sum suê luôn vươn cao vào bầu trời tư tưởng thời đại quang hợp ánh sáng trí tuệ, nhân văn của chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nên luôn xanh mát, tươi mới.
Từ nhỏ học Hán Nôm, tuổi thanh niên đã giỏi tiếng Trung, tiếng Pháp, biết tiếng Anh, tiếng Nga... Thời học sinh đã say mê tìm hiểu binh pháp Tôn Tử, lý luận quân sự của Clausewitz, những trận đánh của Napoleon... Trở thành giáo viên lịch sử đồng nghĩa với việc nghiên cứu truyền thống đánh giặc của tổ tiên anh hùng. Đến với Chủ nghĩa Mác cũng là tiếp thu học thuyết quân sự của cả giai cấp vô sản và tư sản, phân tích các cuộc chiến tranh vệ quốc của nước Nga và Liên Xô (sau này), của Trung Quốc kháng Nhật... Lại may mắn được là học trò, gần gũi thiên tài Hồ Chí Minh... Như một thấu kính văn hóa hội tụ được nhiều ánh sáng tiến bộ, cách mạng, bằng vốn kiến văn uyên bác cùng bản lĩnh, trí tuệ lớn, giàu tâm hồn và tình yêu Tổ quốc, con người lớn lao, trong ông đã tạo ra một quá trình tự chuyển hóa những tri thức quân sự, để rồi trở thành đỉnh cao để cả thế giới ngước nhìn...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đại lễ mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, ngày 13/5/1954. Ảnh tư liệu |
Tư tưởng nhân văn quân sự Võ Nguyên Giáp chủ yếu là sự tiếp thu, kế thừa, phát triển và nâng cao chủ nghĩa nhân văn quân sự truyền thống: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Lấy chí nhân thay cường bạo”, “Giặc tan muôn thuở thanh bình/ Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao”. Các chữ Dân, chữ Nhân, chữ Đức là nền móng để ngôi nhà tư tưởng quân sự kiệt xuất Võ Nguyên Giáp mang dáng vẻ riêng không lẫn vào bất kỳ danh tướng quân sự nào của thế giới.
Đuổi giặc để cứu dân, cứu nước
Tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp là một biểu hiện cụ thể, sinh động của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh: Trọng hòa hiếu. Khi cả nước buộc phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh...”. Nhưng kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược, nên Người cùng toàn dân buộc phải tiến hành kháng chiến. Đó là cách duy nhất ngăn chặn tội ác, thể hiện tinh thần nhân đạo lớn lao. Bởi nếu không, cả dân tộc này phải quỳ gối làm nô lệ để mặc kẻ thù vơ vét, bóc lột, chém giết, đốt phá. Bác Hồ giao cho Võ Nguyên Giáp “phụ trách quân sự”, là việc chẳng đặng đừng. Để rồi ông trở thành Đại tướng nổi tiếng toàn thế giới cũng là việc ngoài ý muốn. Sau này, lời tâm sự của Đại tướng nói lên điều ấy, “nếu không có chiến tranh thì tôi vẫn là một giáo viên dạy lịch sử”. Vì thẳm sâu trong con người Đại tướng, ngoài sự khiêm nhường của một trí tuệ lớn, còn nóng bỏng một tình yêu dân, yêu nước, yêu hòa bình.
Đổ máu ít nhất nhưng phải giành chiến thắng lớn nhất
Cái lõi của khái niệm nhân văn là tình yêu thương con người, vì con người. Nhân văn quân sự Võ Nguyên Giáp có thể khái quát vào mấy chữ: Đổ máu ít nhất nhưng phải giành chiến thắng lớn nhất. Các nhà nghiên cứu quân sự thế giới đến nay vẫn chưa hết ngạc nhiên về một vị tướng chưa từng bại trận, trong khi đó tổn thất vật chất luôn ở mức thấp nhất, tinh thần bộ đội luôn ở trạng thái cao nhất. Họ tìm ra câu trả lời, về cơ bản là nhờ đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Bác Hồ và Đảng lãnh đạo. Nhưng dấu ấn Đại tướng là rất rõ ở việc chọn chiến trường, thời điểm và cách đánh. Tiêu biểu nhất là quyết định lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954: Kéo pháo ra, hoãn tiến công cứ điểm vì chưa chắc thắng. Nếu có thắng thì thương vong cao.
Sau này, trong cuộc gặp gỡ tướng McNamara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chiến lược của tôi là hòa bình, tôi là vị tướng của hòa bình, không phải của chiến tranh”. Câu nói này, như nhận xét của một nhà báo Pháp, sẽ được tạc bằng vàng trong kho tàng lý luận quân sự quốc tế. Qua đó thế giới hiểu thêm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cái gốc của tài năng quân sự ấy là tình yêu con người, yêu hòa bình, không hề muốn đổ máu.
Coi trọng chính trị hơn quân sự
Nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại nổi tiếng người Mỹ là Cecil B.Curry, tác giả cuốn Võ Nguyên Giáp-một thiên tài quân sự (xuất bản ở Mỹ năm 1997, dịch ra tiếng Pháp năm 2003, tiếng Trung Quốc năm 2006) trích lời Đại tướng nói về nhiệm vụ quân đội: “Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn”. Nhìn từ triết học liên văn hóa, đó chính là “liên văn hóa quân sự” tiêu biểu ở sự kết tinh văn hóa quân sự thế giới với văn hóa quân sự truyền thống dân tộc: Chiến tranh toàn dân, “mọi người đều là lính”, “ngụ binh ư nông” (gửi binh lính vào nông dân); chiến tranh toàn diện, mọi địa hình địa vật đều là công sự, pháo đài; “dĩ dật đãi lao” (lấy lực lượng tại chỗ, đánh địch từ xa đến), “lấy đoản binh chế trường trận”, “lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”...
Trong các cuộc kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt, thực hiện phương châm “người trước, súng sau”, chăm lo xây dựng Quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, là đội quân từ dân mà ra, vì dân mà chiến đấu nên được dân tin yêu, dân nuôi nấng, dân bảo vệ, che chở. Chỉ ở Việt Nam mới có thuật ngữ “quân dân”-một khái niệm ghép chỉ quân đội và nhân dân nhưng được hiểu là một đội quân có sự thống nhất gần như tuyệt đối về ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Đó là một biểu hiện của sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Chiến thắng bằng sức mạnh văn hóa
Nhân văn quân sự truyền thống của cha ông ta là “bốn cõi một nhà”, đoàn kết muôn người như một; là “phụ tử chi binh”, tướng sĩ coi nhau như cha con... Nhân văn quân sự thời đại Hồ Chí Minh học tập, phát huy, nâng cao, nhân lên giá trị truyền thống. Bác Hồ là Cha của lực lượng vũ trang thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Trong gia đình Quân đội, người Anh Cả ấy quan tâm, lo lắng, chăm chút những đứa em binh nhất, binh nhì từng chi tiết nhỏ, đến với chiến sĩ trên chiến hào, trong từng bữa ăn... Có một vị Đại tướng như thế, đội quân ấy sẽ có sức mạnh vô địch nhờ tình thương yêu đoàn kết cùng hướng về lý tưởng “trung với Đảng, hiếu với dân”. Trả lời phỏng vấn tờ báo Pháp (L’Humannite’), Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích đế quốc Mỹ thua là do “không hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục của chúng tôi, không hiểu tính cách của người Việt...”. Như vậy, Việt Nam thắng đế quốc Mỹ là thắng bằng sức mạnh văn hóa.
Nhân văn là yêu thương, là sẻ chia, là thấu hiểu và thấu cảm để gắn kết và gắn nối. Mỗi người lính trong đội quân của Đại tướng như những sợi chỉ nhân văn cùng nhau dệt nên khối đoàn kết quân dân bền chặt vĩ đại để chiến thắng những kẻ thù xâm lược lớn nhất thế giới.
Bản chất của văn hóa là nhân văn. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp của chúng ta là nhà văn hóa lớn!