Đại biểu Quốc hội: Các "tư lệnh ngành" phải đề cao trách nhiệm, tránh tình trạng "hứa suông"
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương: 3 ấn tượng về dấu ấn nổi bật đóng góp vào thành công chung kỳ họp
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân, trong đó kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp là dấu ấn quan trọng, nổi bật, đóng góp ý nghĩa vào thành công chung của kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương |
Tôi có ba ấn tượng về dấu ấn nổi bật, đóng góp vào thành công chung Kỳ họp thứ 5. Đầu tiên, về công tác tổ chức. Kỳ họp đã được chia thành hai đợt thay vì một đợt như những lần trước đây. Trong một tuần nghỉ giữa hai đợt đã giúp các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra có thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội; tổng hợp báo cáo và giải trình các nội dung được đại biểu quan tâm. Tại đợt họp thứ hai của kỳ họp, Quốc hội đã xem xét thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng.
Thứ hai, về công tác lập pháp, kỳ họp có khối tượng công việc rất khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.
Thứ ba, về thái độ, tinh thần làm việc của các đại biểu Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục.
Đơn cử, trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các Bộ trưởng từ 100-120 lượt; có những phiên thảo luận như về Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu. Trong khi đó, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, đồ sộ và liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Dù vậy, với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - đoàn Thừa Thiên - Huế: Bớt những "sạn, cát", khuyết thiếu trong dự thảo luật
Mỗi kỳ họp Quốc hội đều có sự đổi mới về phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức. Từ chuẩn bị các dự luật, dự thảo Nghị quyết, các chương trình lấy ý kiến Quốc hội, công tác tham gia nghiên cứu tài liệu, tham gia phát biểu, thảo luận đến công tác tiếp thu, giải trình, kết luận trước khi thông qua... rất chặt chẽ, cặn kẽ.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - đoàn Thừa Thiên Huế |
Tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội ngày càng thể hiện được trách nhiệm bằng cách đầu tư thời gian, đăng ký phát biểu. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu ngày càng nhiều, nên phải có sự xem xét điều chỉnh lại nội dung chương trình cho phù hợp, phải có dự đoán, tính toán nội dung chương trình nào có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu để tiệm cận số lượng đăng ký với số lượng được phát biểu.
Kỳ họp Quốc hội nhiệm kỳ mới có sự đổi mới về mặt thời gian, mỗi kỳ họp rút ngắn hơn. Về phương pháp, có sự sắp xếp cho những đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu chuyên trách, nhưng cần có sự xem xét, đánh giá, điều chỉnh lại các nội dung, phương pháp lấy ý kiến, làm sao có nhiều ý kiến đại biểu được tổng hợp vào ác dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là các dự luật. Với sự đổi mới này sẽ bớt đi những "sạn, cát", khuyết thiếu trong dự thảo luật, dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị ở cơ quan soạn thảo hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tôi đánh giá cao về tần suất tranh luận của đại biểu Quốc hội với những nội dung tranh luận mang tính chất lợi ích chung chứ không vì quyền lợi của cá nhân nào đó.
Tôi cũng đánh giá cao các cơ quan truyền thông, báo chí tại kỳ họp có sự phân công, bố trí, sắp xếp hài hoà và truyền tải thông tin rất nhanh. Những phát biểu của đại biểu, có những ý kiến sáng tạo đều được các cơ quan truyền thông lĩnh hội, tạo thành những tác phẩm càng ngày càng thể hiện trình độ, tính văn hoá trong truyền thông. Theo tôi, điều này rất nên phát huy.
Đại biểu Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai: Tuyệt đối không để tình trạng "hứa suông, hứa hão mà không làm”.
Kết quả giám sát của Quốc hội khóa XV mang tính chất song hành với hoạt động điều hành rất trực tiếp. Trong giám sát, hoạt động giám sát của Quốc hội không làm thay cho thanh tra, điều tra nhưng điều quan trọng nhất giám sát của Quốc hội đó là chỉ ra được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý về mặt chính sách, xử lý về mặt trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai |
Nhưng có một điều các đại biểu Quốc hội và cá nhân tôi trăn trở về những Nghị quyết giám sát về chất vấn, đánh giá về trách nhiệm chưa đúng với kỳ vọng.
Do đó, các đại biểu Quốc hội rất mong muốn chỉ rõ thêm phần trách nhiệm, đúng với chỉ đạo của Đảng là phải làm rõ được trách nhiệm trong quản lý, điều hành với tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, việc này cần phải làm đậm nét hơn trong hoạt động giám sát.
Đặc biệt, các Bộ trưởng, Trưởng ngành qua hoạt động chất vấn, giám sát phải ý thức được trách nhiệm của mình. Tôi cho rằng, nếu không làm được nên đứng sang một bên. Bởi, nhận thức được vấn đề, xác định được tồn tại, hạn chế nhưng nếu không có tinh thần trách nhiệm sẽ làm vật cản, cản trở tiến trình phát triển. Quan điểm đưa ra là trách nhiệm phải được đề cao, giải quyết được công việc hiệu quả.
Đối với Quốc hội trong hoạt động chất vấn tuyệt đối không để tình trạng "hứa suông, hứa hão mà không làm”. Với nội dung các Bộ trưởng đã hứa, ghi trong Nghị quyết mà các kỳ họp sau kiểm điểm lại nếu không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn, Quốc hội phải có ý kiến. Các đại biểu Quốc hội chúng tôi sẽ tiếp tục bám nắm những nội dung này.